Hướng dẫn mới nhất của Bộ Công an về hộ khẩu

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Công an về hộ khẩu ảnh 1
Việc đề xuất diện tích nhà ở tối thiểu để cá nhân được đăng ký thường trú tại TP.HCM còn có những ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD 

Phải có xác nhận về diện tích nhà

Thông tư quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. 

Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư cũng nêu rõ hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú); Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về các mối quan hệ nêu trên.

Giấy chuyển hộ khẩu: Không được làm khó dân

Về giấy chuyển hộ khẩu, Thông tư nêu rõ, Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh.

Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu, bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Sổ hộ khẩu. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.

Đáng lưu ý, thông tư nghiêm cấm việc yêu cầu công dân phải có giấy đồng ý cho đăng ký thường trú của cơ quan Công an nơi chuyển đến mới cấp giấy chuyển hộ khẩu. Thực tế hiện nay, một số địa phương yêu cầu công dân phải xuất trình giấy đồng ý cho nhập hộ khẩu của công an nơi chuyển đến mới cắt khẩu cho người dân. Điều này là không phù hợp với quy định pháp luật.

Có hiệu lực từ 28-10-2014

Thông tư cũng quy định, sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Cư trú. Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Công dân thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì được cấp sổ hộ khẩu mới.

Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp trước đây.

Người có nhu cầu tách sổ hộ khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú thì chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm. Khi tách sổ hộ khẩu không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở hợp pháp.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về việc xóa đăng ký thường trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; chỗ ở không được chuyển đến đăng ký thường trú; thủ tục đăng ký tạm trú; xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/10/2014 và thay thế Thông tư số 52/2010/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP về cư trú.

 

Chưa quyết mức sàn diện tích nhập hộ khẩu

Tháng 5-2014, Sở Xây dựng TP.HCM có tờ trình về diện tích ở tối thiểu để cá nhân muốn nhập hộ khẩu vào nhà ở nhờ, thuê, mượn tại TP. Theo đó, trong giai đoạn 2014-2015, cá nhân muốn nhập hộ khẩu TP qua diện ở nhờ, thuê, mượn nhà của người khác thì phải đảm bảo có diện tích ở 16-17 m2/người.

Tại tờ trình mới đây, Sở Xây dựng đề xuất mức này là từ 8-16m2/người. Cụ thể, Sở Xây dựng chia hai khu vực: Khu vực 1 gồm 19 quận có mật độ dân cư cao, muốn nhập hộ khẩu phải có diện tích nhà ở bình quân 16 m2/người. Khu vực 2 gồm các địa phương có mật độ dân cư thấp, diện tích ở yêu cầu là 8 m2/người.

“Quy định diện tích ở bình quân để đăng ký hộ khẩu áp dụng cho trường hợp người ở nhờ, thuê, mượn muốn nhập hộ khẩu. Không áp dụng cho các trường hợp có mối quan hệ trực hệ như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con…” - Sở Xây dựng lưu ý.

Theo quy định, mức diện tích sàn nhà ở này phải được HĐND TP xem xét, thông qua mới có hiệu lực áp dụng.

 

Điều kiện để nhập hộ khẩu TP trực thuộc trung ương

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;

c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.”

Theo Điều 20, Luật Cư trú (sửa đổi năm 2013)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm