Hơn 15.700 tỉ đồng 'là số nợ ảo, không có khả năng thu hồi'

Sáng 22-10, bắt đầu ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Dũng nói tình hình nợ đọng thuế hiện giảm xuống ở mức 6,9% tổng nợ trên tổng thu nội địa. Tuy vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao đến 31-8 là 88.253 tỉ đồng. Trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỉ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ nói Quốc hội cần có cơ chế xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách.

Nguyên nhân chủ yếu, theo cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Mặt khác, Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian.

Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31-8 là 15.779 tỉ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Bộ trưởng Dũng cũng nói việc nộp thuế là nghĩa vụ của người nộp thuế nhưng kinh doanh thì có nhiều rủi ro, chủ doanh nghiệp có thể đã chết nên không có khả năng nộp thuế cho ngân sách.

Cơ quan thuế căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành đã tích cực xử lý nợ đọng thuế. Kết quả những năm qua cho thấy đã thu được 80% số nợ có khả năng thu hồi. Thế nhưng nợ đọng thì không xử lý dứt điểm được do chưa có cơ chế.

Bởi vậy Bộ trưởng Dũng cho rằng ban hành nghị quyết về vấn đề này là cần thiết.

Một trong những lý do là theo Luật Quản lý thuế hiện hành, những trường hợp được xóa nợ thuế phải bảo đảm đã thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế và phải nợ đủ 10 năm. Các khoản nợ hiện nay chưa đủ 10 năm. Ngoài ra là các trường hợp người nộp thuế đã chết, phá sản, giải thể, mất tích... không còn khả năng nộp ngân sách nhưng vẫn bị tính tiền phạt, chậm nộp.

“Số nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách” - Bộ trưởng Dũng khẳng định như trong tờ trình và nói thêm - “Vì vậy Chính phủ thấy cần thiết phải báo cáo Quốc hội cho cơ chế xử lý”.

Sau khi trình bày thêm các nguyên nhân khác, Bộ trưởng Dũng nói: “Chính phủ thấy rằng việc báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng không còn khả năng thu nộp ngân sách nhà nước trước ngày 1-7-2020”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm