SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TP.HCM

Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ trọng tâm năm 2012

Năm 2012 là năm thứ hai triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần IX và kế hoạch năm năm phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM giai đoạn 2011-2015. Đây cũng là năm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành tài nguyên môi trường.

Thành công việc thu gom chất thải

Trước tình hình trên, Sở TN&MT TP.HCM đã có kế hoạch trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Cộng với sự nỗ lực phấn đấu, Sở đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch năm 2012. Trong đó có thể kể đến việc tham mưu xây dựng văn bản pháp luật cùng các kết quả ấn tượng trong lĩnh vực đất đai, đo đạc và bản đồ. Đối với lĩnh vực môi trường, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết trong năm 2012, tổng khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố là hơn 2,3 triệu tấn, trung bình hơn 6.400 tấn/ngày. Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong khu vực nội thành vào khoảng 95% từ các hộ dân; 5% còn lại thu gom dọc theo tuyến đường, các bô rác, thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh. Ở khu vực ngoại thành thu gom, xử lý từ hộ dân khoảng 70%-80%, do nơi đây còn nhiều khu đất trống như ao, vườn nên một bộ phận nhỏ người dân tự xử lý rác trong khu vườn của mình.

Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 ảnh 1

Chợ đầu mối Bình Điền là một trong những đơn vị sớm thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Ảnh: NGỌC CHÂU

Đối với việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH), hoạt động này mang tính liên vùng, được thực hiện bởi các công ty có nhà máy hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Các đơn vị này có công suất tiếp nhận khoảng 30%-40% CTNH phát sinh. Phần còn lại do những công ty ở các tỉnh đến thu gom, vận chuyển về tỉnh xử lý hoặc CTNH đang được lưu chứa tạm thời tại các chủ nguồn thải. Trong năm qua, thành phố không phát hiện tình trạng thải bỏ CTNH không đúng quy định. Đa phần các chủ nguồn thải đều có hợp đồng chuyển giao cho các công ty vận chuyển hoặc đơn vị xử lý. Vì vậy, CTNH phát sinh được đánh giá đảm bảo xử lý thu gom, xử lý, lưu trữ an toàn. Song song đó, khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh dao động trong khoảng 12-17 tấn/ngày. Tại các bệnh viện, trung tâm lớn, rác thải y tế được thu gom 100%; riêng tại các phòng khám nhỏ lẻ, việc thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt 85%-90%, còn 10%-15% thải bỏ chung với chất thải rắn sinh hoạt và được vận chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tại các KCX, KCN, khu công nghệ cao đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tỉ lệ 100%. Hiện nay, những đơn vị này đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy xử lý nước thải tập trung để đáp ứng yêu cầu phát triển và hoạt động. Đơn cử như KCN Lê Minh Xuân, Tân Bình, Tân Tạo và Hiệp Phước. Nhìn chung các nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn. Riêng KCN Tân Phú Trung do đặc điểm tiếp nhận nước thải của các doanh nghiệp hiện hữu nên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới thu gom thỏa thuận đấu nối thoát nước.

Tăng kiểm tra, giám sát phân loại chất thải rắn

Trong khuôn khổ chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức rà soát các quy định liên quan đến xây dựng quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn; liên hệ các đơn vị tư vấn để phối hợp trong việc lập đề cương, dự toán xây dựng quy hoạch để trình UBND TP.HCM thông qua. Song song đó, Sở cũng tổ chức kiểm tra các dự án xử lý chất thải rắn như nhà máy của Công ty CP Vietstar, Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa; kiểm tra tiến độ xây dựng bãi chôn lấp số 3 hợp vệ sinh của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố; rà soát và thông báo đến các chủ đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn... Đồng thời, tiếp tục duy trì kiểm tra, giám sát việc phân loại chất thải rắn tại nguồn ở ba chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức); Hóc Môn và Bình Điền (quận 8); 21 siêu thị thuộc hệ thống Co.op Mart; tập huấn, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cho các công ty đang hoạt động trong khu công nghệ cao (quận 9), KCX Tân Thuận và 17 siêu thị còn lại như Big C, Lotte, Metro…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện của Sở TN&MT TP.HCM vẫn còn gặp phải nhiều trở ngại nhất định. Trong đó về lĩnh vực môi trường, khó khăn nhất hiện nay là công tác thu gom chất thải rắn y tế. Trên tinh thần của Thông tư 12/2011/TT-BTNMT, việc giới hạn đại lý vận chuyển vào một đơn vị xử lý đã làm hạn chế hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế của các công ty dịch vụ công ích 22 quận, huyện. Song song đó, biến đổi khí hậu là một lĩnh vực mới nên việc lồng ghép vào khâu quản lý chuyên ngành còn chưa cao. Đội ngũ cán bộ; các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ngành tài nguyên nước còn thiếu và trùng lắp giữa các ngành với nhau.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm