Hồ thuỷ điện không có lỗi?

Hội thảo về công tác vận hành hồ chứa thủy điện, do Bộ công thương tổ chức gây được sự chú ý của dư luận trong bối cảnh nhiều nhà máy thủy điện đang bị người dân và lãnh đạo địa phương “đánh tiếng” khởi kiện vì xã lũ gây ngập lụt thời gian qua.

Hồ thuỷ điện không có lỗi? ảnh 1
Thuỷ điện sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: Bích Đào

“Kêu oan” cho thuỷ điệnCâu chuyện thủy điện Ba Hạ (Phú Yên) xã lũ sai quy trình được đem ra mổ xẻ nhiều nhất. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy này thanh minh, trước khi xả lũ đã cử cán bộ thông báo cho UBND tỉnh nhưng do “fax không được, gọi điện cũng không được. Sau đó cán bộ này bận tham gia tại đập tràn nên … không báo cáo UBND tỉnh”. Tự giới thiệu mình “không có cổ phần trong bất cứ nhà máy thủy điện nào nên sẽ khách quan phát biểu”, ông Đào Tấn Cam, giám đốc sở Công thương Phú Yên “kêu oan” cho thủy điện Ba Hạ. “Nói vừa rồi thủy điện Ba Hạ không tuân thủ quy trình liên hồ thì oan cho Ba Hạ!”, ông Cam nói. Lý do ông Cam đưa ra là đơn vị này có báo cáo cho ban phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh và nhắn tin vào cả… di động của ông Cam. “Hơn nữa quy định về liên hồ mới có hiệu lực trước khi Ba Hạ xả lũ có vài ngày, nên ngay tôi cũng chưa đọc thuộc”, ông Cam nói. Cũng theo ông Cam, trong khi lưu lượng nước sông Ba Hạ 9,7 tỷ m3, còn hồ chứa thủy điện Ba Hạ chỉ hơn 300 triệu m3 thì chức năng hồ này chỉ như đập thủy lợi Đồng Cam (cũng của tỉnh Phú Yên) thôi! “Nhưng đập Đồng Cam không có cửa xả mà lũ chảy tràn qua nên không ai đổ lỗi, có lẽ tại thủy điện Ba Hạ có cửa xả nên nói thủy điện xả lũ”, ông Cam so sánh.Ông Nguyễn Trâm, tổng giám đốc thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) cũng khẳng định “bản thân hồ thủy điện không tạo ra nước”. Để bày tỏ sự chia sẻ, ông kể lại câu chuyện thủy điện này cũng chịu tai tiếng xả lũ cách đây một năm. “Khi ấy A Vương đã tích nước về là 4200m3, chỉ xã có 2600m3. Như vậy nếu không ngăn thì nước cũng về xuôi song chúng tôi cũng mang tiếng là xả lũ gây ngập huyện Đại Lộc. Đến khi lũ qua đi, chúng tôi tổ chức 18 hội nghị ở các xã để mời dân chứng kiến lại mô hình xả lũ thì người dân hiểu ra và đồng tình”, ông Trâm cho biết. Theo kinh nghiệm của ông Trâm, từ đó mỗi lần xả lũ, thủy điện A Vương đều mời đại diện của dân tham gia hội đồng giám sát. “Khi đó dân hiểu rằng xả tràn như thế lưu lượng ít hơn lưu lượng lũ về!”.Vụ phó vụ Năng lượng (bộ Công thương) Đỗ Đức Quân thì nhìn nhận đợt lũ vừa rồi ở miền Trung chủ yếu diễn ra ở hạ du là chính, lại ngập lâu và sâu hơn trước đây. Nguyên nhân, theo ông Quân không phải do thủy điện xã lũ mà chủ yếu do các công trình hạ tầng phía hạ lưu chắn dòng thoát lũ nên cần chú trọng quản lý lưu vực các con sông. “Như ở Quảng Nam, vùng hạ du có một loạt công trình giao thông làm nghẽn thoát lũ. Ở Hà Tĩnh cũng thế: đường cao, lũ khó tràn, khó thoát nhanh. Cho nên, phải nhìn nhận nguyên nhân cho khách quan, nếu cứ đổ cho thủy điện hết, sau này giải pháp cứ đi vào thủy điện là sai hết”, ông Quân nhấn mạnh. Chưa thể phạt hồ thủy điện xã lũ sai quy trìnhTheo ông Cao Anh Dũng , phó cục trưởng cục An toàn công nghiệp (bộ Công thương) dù đã có quy trình liên hồ về xả lũ nhưng với trường hợp hồ thủy điện Ba Hạ thì vẫn chưa có quy định về xử phạt.Ông Dũng cho rằng việc đóng mở cửa xả hồ thủy điện sông Ba Hạ đã được thực hiện nghiêm túc theo quy trình được duyệt. Thiếu sót duy nhất chỉ là không báo trước cho UBND tỉnh mà chỉ mới thông báo cho ban PCLB trung ương và ban PCLB tỉnh.“Nhiều người hỏi tôi sai thế thì phạt thế nào? Đến nay chưa có quy định xử phạt với quy trình vận hành liên hồ nên chúng tôi rất khó nói”, ông Dũng cho hay. Thừa nhận sự cố thủy điện Ba Hạ là “sơ suất nhỏ”, thứ trưởng bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Tất cả các chủ hồ khác đã tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình vận hành liên hồ, giúp cắt, giảm lũ hạ lưu, nếu không, chắc chắc lũ lụt còn nghiêm trọng hơn”.Ngoài ra, ông Vượng cũng lưu ý các chủ hồ thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt, chính xác quy trình các hồ chứa, phối hợp với địa phương, với các hồ trên cùng lưu vực.“Các chủ hồ phải xin vào ban PCLB địa phương, hay thành lập các ban giám sát địa phương như kinh nghiệm của thủy điện A Vương để thông tin được thông suốt”, thứ trưởng Vượng nhắc nhở. Dẫu vậy, ông Vượng thừa nhận có thông tin một vài nhà máy thủy điện không có hiệu quả về phát điện nhưng lại gây ngập lụt. “Một nhà máy thủy điện công suất vài MW mà gây ngập cả trăm hécta thì phải loại khỏi quy hoạch”, ông Vượng nói.Theo ghi nhận của PV SGTT, trong hơn 10 ý kiến phát biểu tại hội thảo thì có đến phân nửa là đại diện các nhà máy, công ty thủy điện “bào chữa” hoặc “chia sẻ ” cho ngành mình (thủy điện Hòa Bình, Yaly, Ba Hạ, Đa Mi, sở Công thương). Phần còn lại là của các đơn vị quản lý ngành thủy điện của bộ Công thương. Ý kiến “ngoại đạo” hiếm hoi là ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng, nói về khó khăn trong dự báo lũ. Hội thảo không thấy một ý kiến phản biện của các nhà khoa học hay tiếng nói người dân, của lãnh đạo địa phương nơi người dân bị thiệt hại do xã lũ như ở Lâm Đồng, Phú Yên!
Theo Chí Hiếu (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm