‘Họ không giảm lòng tham trên biển Đông’

Theo ông Hiếu, Trung Quốc sẽ vươn sang các vùng biển lân cận và thậm chí xa hơn trên biển Đông để khai thác tài nguyên biển. Tại biển Đông, Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng. Theo đó ông đề nghị cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển, đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết.

“Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của họ. Cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định bất di bất dịch là không bao giờ nhân nhượng chủ quyền, những gì thuộc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” - ĐB Hiếu nói.

Ông cho hay là nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc liên quan đến biển Đông ra tòa án quốc tế. “Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều hòn đảo, bãi đá biển Đông trong suốt thời gian qua” - ông nói. ĐB Hiếu nhấn mạnh là khi có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay bản thân nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc.

Về nội dung này, Trung tướng Trần Việt Khoa (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng cho rằng tình hình khu vực biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn ở khu vực biển có tuyến hàng hải quan trọng vào bậc nhất trên thế giới.

“Từ tháng 5, khi mà chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Đây là những cái mà có thể chúng ta không thể chấp nhận. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát và thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35 và 40 chiếc tàu xuống để bảo vệ” - ông dẫn chứng.

Ông Khoa cũng cho hay trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ngoại giao để “đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam”. Trên thực địa, lực lượng hải quân, cảnh sát, bộ đội biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của ta theo Công ước về Luật Biển năm 1982.

“Đất nước ta đã từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta thấy được cái tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân… Chúng ta cũng luôn luôn phải sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” - Trung tướng Trần Việt Khoa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm