Hộ khẩu không hạn chế được tăng dân số cơ học

Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất bỏ điều kiện riêng để đăng ký thường trú vào các TP lớn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói: Hiến pháp 2013 quy định công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu nếu họ có chỗ ở hợp pháp. Khung chung của Luật Cư trú phải bảo đảm việc này, đây là thực hiện theo hiến pháp. Không thể có biện pháp gì ngăn cấm người dân cư trú ở địa bàn này, địa bàn khác, thậm chí kể cả thủ đô.

Các điều kiện riêng để đăng ký thường trú ở các TP lớn được vận dụng thời gian qua là biện pháp hành chính để hạn chế người dân tập trung về. Thế nhưng trên thực tế việc này không hiệu quả, chủ yếu để cản trở, gây khó khăn cho người dân vì số người chưa đăng ký thường trú mà vẫn tạm trú ở các TP lớn là hàng triệu người. Họ không đăng ký thì cũng không quản lý được và cũng không có cách gì để ngăn cản được việc này.

Trước đó, Bộ Công an có báo cáo với nhận định là hàng triệu người nói trên có thời gian học tập, lao động, cống hiến tại các TP đó nhưng do không đủ điều kiện để đăng ký thường trú nên không tiếp cận được các dịch vụ về y tế, giáo dục… như những người có hộ khẩu thường trú.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Việc quy định các điều kiện riêng về đăng ký thường trú đối với các TP trực thuộc trung ương chỉ hạn chế nhập hộ khẩu chứ không hạn chế được tình trạng gia tăng dân số cơ học.

Trình bày trước Quốc hội ngày 23-5, Đại tướng Tô Lâm khẳng định dự luật là để đáp ứng tình hình mới về bảo đảm an ninh, trật tự, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân...

Theo đó sẽ thay thế phương thức quản lý cư trú thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu này “chạy” trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Nếu được thông qua thì từ ngày 1-7-2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới. Tuy vậy, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Các đại biểu ủng hộ việc bỏ các điều kiện riêng và đề nghị cần có các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế - xã hội... Điều này giúp một mặt vẫn quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học, bảo đảm an ninh trật tự tại các TP lớn; mặt khác bảo đảm khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp số lượng người đến cư trú ở các địa phương này tăng nhanh do bỏ quy định trên. 

Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng để đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương là có thời gian tạm trú từ một năm trở lên với huyện, thị thuộc TP trực thuộc trung ương; hai năm với quận; ba năm với quận nội thành Hà Nội.

Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP…

Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, TP là như nhau... 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy