Hình sự hóa làm giàu bất chính: Bàn rồi thôi

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ:

Tài sản tăng giảm không ai kiểm soát

Ông NGUYỄN TUẤN ANH

Tác dụng của quy định minh bạch tài sản, thu nhập chưa nhiều; biến động về thu nhập chưa kiểm soát được; cơ chế xử lý người kê khai chưa trung thực vẫn chưa ổn. Quy định về kê khai tài sản đã có từ lâu nhưng bản kê khai lại nằm trong hồ sơ cán bộ, tức là kê khai để cất đi. Sau đó việc công khai có mở ra nhưng cũng chỉ công khai nơi làm việc. Mặt khác, sau khi cán bộ, công chức kê khai xong thì cũng không có cơ quan, cơ chế kiểm soát xem tài sản đó tăng giảm thế nào.

Trong PCTN, xử lý con người đã khó, xử lý tài sản càng khó hơn. 10 năm qua, xử lý tài sản không đáng là bao. Khi xây dựng BLHS, chúng ta cũng bàn đến vấn đề hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Nhưng rồi thôi. Hiện nay nhiệm vụ này được giao cho Luật PCTN.

Nhưng thực tế là: Dù có chuyện kê khai tài sản không trung thực nhưng có thể thu hồi tài sản được không? Việc xác định tài sản đó có phải bất minh, bất hợp pháp để thu hồi không cũng rất khó khăn vì nó đụng đến quyền tài sản được hiến định.

GS LÊ HỒNG HẠNH,  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN:

Công khai những đặc ân mà cán bộ được hưởng

GS LÊ HỒNG HẠNH

Nếu việc công khai tài sản mà như ông Phạm Sỹ Quý thì có tác dụng gì đâu. Công khai tài sản theo pháp luật đương nhiên rồi. Nhưng tôi đề nghị phải công khai những chính sách liên quan đến cán bộ có chức quyền, về những đặc ân của cán bộ được hưởng. Nhiều khu xây riêng cho lãnh đạo mà dân đâu có biết. Sao không công khai những tiêu chuẩn đó để cho dân biết và có niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng?

Chúng ta kêu gọi chống tham nhũng, kê khai tài sản trung thực rất nhiều nhưng phát hiện được mấy? Các cơ quan phát hiện bao nhiêu vụ bất minh hay chủ yếu là báo chí, là dân phát hiện? Nếu chúng ta không thực sự quyết tâm thì cái lò đốt tham nhũng do Tổng Bí thư nhóm lên khó phát huy hết tác dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm