Hiểu sao về cơ cấu trong công tác nhân sự?

Lâu nay, chúng ta vẫn hay nghe đâu đó nói “một lần cơ cấu bằng phấn đấu cả đời”, hay biến tấu khác “mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu”. Hàm ý của những ví von ấy thường gắn với câu chuyện về nhân sự, con người cụ thể, may mắn “trúng cơ cấu” mà được thăng quan, tiến chức. Tuy nhiên, nhìn vào cách làm nhân sự của Ban chấp hành Trung ương thì khó có thể xuất hiện mối liên quan nào đó, giữa con người cụ thể với cơ cấu.

Điều này thể hiện khá rõ qua phát biểu bế mạc, có tính chất khái quát của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 12, bế mạc cuối tuần trước, vốn tập trung bàn về phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Trong bài phát biểu quan trọng này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ yếu nhấn mạnh yêu cầu về chất lượng của Trung ương khóa tới. Mối quan hệ giữa cơ cấu với chất lượng được tóm gọn trong một câu: “Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển”.

Cơ cấu trong công tác nhân sự của Trung ương là gì?

Quan sát, tìm hiểu phương hướng công tác nhân sự khóa trước và trao đổi với các địa chỉ am hiểu công tác tổ chức, cán bộ của Đảng khóa này thì có thể hình dung cơ cấu Trung ương chính là xác định ở ngành, đơn vị, lĩnh vực nào cần có ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Toàn Đảng hiện có 67 đầu mối trực thuộc Trung ương, gồm các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy lớn. Cơ cấu chung là cần có ủy viên Trung ương làm người đứng đầu các cấp ủy. Một số đầu mối lớn có thể có nhiều ủy viên Trung ương, chẳng hạn để đứng đầu các bộ trong Chính phủ hay để tham gia Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chưa kể, một số lĩnh vực cũng cần nhiều ủy viên Trung ương như quân đội, công an, ngoại giao… Một số địa bàn, lĩnh vực cần bố trí người đứng đầu là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Hà Nội, TP.HCM, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, rồi các ban Đảng ở Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện khối tư pháp. Một số chức danh tốt nhất là ủy viên Bộ Chính trị như thường trực Ban Bí thư, thường trực Quốc hội, thường trực Chính phủ...

Tuy nhiên, cơ cấu này không hoàn toàn cứng. Bởi yêu cầu chung vẫn là không phải lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có nhân sự tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngay từ đầu nhiệm kỳ và không vì cơ cấu mà khi quy hoạch cũng như tới lúc giới thiệu nhân sự cụ thể lại hạ thấp tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn ấy, khóa này, đã được ban hành rất sớm và công khai, minh bạch trong Quy định 90/2017 của Bộ Chính trị, sau đó sửa đổi, bổ sung chi tiết hơn tại Quy định 214/2020. Đến Hội nghị 12, Trung ương thảo luận, điều chỉnh, bổ sung tiếp cho sát với tình hình, yêu cầu nhân sự Đại hội XIII.

Nguyên tắc không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn không phải mới. Như ở Đại hội XII, bà Nguyễn Thị Kim Tiến không trúng cử Trung ương nhưng xét uy tín chuyên môn vẫn được phân công làm bí thư Ban cán sự Đảng và bộ trưởng Y tế. Chỉ đến cuối nhiệm kỳ, tháng 10-2019, khi bà Tiến đến tuổi nghỉ quản lý, Bộ Chính trị mới phân công Phó Thủ tướng - Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Đức Đam sang đảm trách.

Các ủy viên Trung ương dự Hội nghị Trung ương 12, khóa XII. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Công bằng giữa ủy viên ở Trung ương và địa phương

Bên cạnh cơ cấu thì tuổi tác cũng là một tiêu chí quan trọng.

Từ khi khởi động phát hiện, giới thiệu quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, tháng 11-2018, mốc tính tuổi đã được chốt là tháng 1-2021, thời điểm dự kiến Đại hội XIII. Theo đó, tuổi cho những người lần đầu tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ thuộc bốn nhóm: 45, 50, 55 và 60 trở xuống.

Nhưng với các ủy viên Trung ương đương nhiệm tái cử thì cách làm các khóa trước đang có một chút vướng mắc, dẫn tới chưa công bằng giữa người công tác ở các cơ quan Trung ương với công tác ở địa phương.

Cụ thể, để trẻ hóa đội ngũ, các cấp ủy địa phương lâu nay bị ràng buộc quy định cấp ủy viên tuổi đã cao, không còn đủ 30 tháng công tác tính theo thời điểm tổ chức đại hội Đảng các cấp thì không được tái cử.

Như thế, nếu áp vào khóa này, các ủy viên Trung ương ở địa phương, tới thời điểm tháng 9-2020 (mốc tính với đại hội Đảng bộ cấp tỉnh) mà quá 57 tuổi rưỡi thì sẽ không được tái cử nữa. Trong khi đó, ủy viên Trung ương công tác ở các cơ quan Trung ương, 60 tuổi trở xuống tính theo mốc tháng 1-2021 vẫn có thể tái cử.

Quy định bất cập này đã dẫn tới việc ở các khóa trước, có ủy viên Trung ương ở địa phương khi thấy không còn đủ tuổi tái cử nếu vẫn công tác ở địa phương đã “dịch chuyển” để lên các cơ quan trung ương, mà chủ yếu là vào vị trí phó các ban Đảng. Điều này lại gây sức ép cho công tác nhân sự các ban Đảng, khi mà số lượng phó “chờ” quá nhiều so với số lượng cấp phó được cơ cấu là ủy viên Trung ương cho mỗi ban trong mỗi kỳ đại hội.

Để khắc phục bất cập ấy, chỉ còn cách “san bằng”, quy định một mức tuổi tái cử cho cả ủy viên Trung ương ở địa phương và Trung ương là 60, với cùng mốc thời gian là tháng 1-2021.

Thực tế ấy dường như đang diễn ra. Quan sát thì thấy rõ: So với các khóa trước, nhiệm kỳ này Bộ Chính trị gần như không điều động các ủy viên Trung ương ở địa phương cứng tuổi về các ban Đảng ở Trung ương nữa.

Và sau Hội nghị Trung ương 12, nhiều nguồn tin cho hay khả năng là đã thống nhất việc sửa đổi này.

Nhưng đấy là điều chỉnh điều kiện về tuổi với ủy viên Trung ương tái cử. Còn ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử thì vẫn như lâu nay, không quá 65 tuổi, trừ trường hợp “đặc biệt” do Bộ Chính trị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, nhiều mặt trên cơ sở là sự nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân và các yêu cầu, đòi hỏi của vị trí công tác cụ thể cho khóa tới. Trung ương sẽ quyết định vấn đề này trước khi trình ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm