Hiệp thương lần thứ nhất về người ứng cử ĐBQH khóa XV

Sáng 4-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với năm điểm cầu là TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MTTQ

Có 25-50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng

Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong cơ cấu kết hợp phấn đấu ĐB là người ngoài Đảng 25-50 ĐB; ĐB trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 ĐB; ĐB tái cử khoảng 160 ĐB. 

ĐBQH là đại diện cho các thành phần, giai tầng, vùng miền…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết căn cứ kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Sau đó là việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và cũng là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những ĐB tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, có tâm, có tầm, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào QH và HĐND các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo bà Ngân, về số lượng, cơ cấu ĐBQH khóa XV được dự kiến trên cơ sở đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý. Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH đã dự kiến số lượng ĐBQH ở trung ương là 207 ĐB và số lượng ĐBQH ở địa phương là 293 ĐB. ĐB là người dân tộc thiểu số đảm bảo tỉ lệ ít nhất 18% (trong đó chú ý đến các ĐB ưu tú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số từ trước đến nay chưa bao giờ tham gia ĐBQH). ĐB là phụ nữ đảm bảo tỉ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH…

Ngày 14-3 là hạn chót ứng viên nộp hồ sơ ứng cử

Theo bà Ngân, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, 90 ngày trước ngày bầu cử là thời hạn cuối cùng để Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh lại cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, tức là ngày 22-2.

Cùng với đó, việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 24-2 đến 11-3.

Do đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát nhân sự, tiến hành các bước giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử ĐBQH. Sau đó, người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử sẽ tiến hành nộp hồ sơ ứng cử. Ngày 14-3 là thời hạn cuối cùng để các ứng cử viên nộp hồ sơ ứng cử.

Theo quy định, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã diễn ra vào ngày 4-2. Hiệp thương lần thứ hai sẽ xong trước ngày 19-3. Hiệp thương lần thứ ba xong trước ngày 18-4.

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào Chủ nhật 23-5.

TP.HCM sẽ có 30 đại biểu Quốc hội

Tại đầu cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải thông tin cuộc bầu cử ĐBQH bầu ra 500 ĐBQH trong cả nước, riêng TP.HCM sẽ bầu 30 ĐBQH.

Cùng lúc, cử tri TP.HCM sẽ bầu 95 ĐB HĐND TP.HCM. Thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TP.HCM không tổ chức HĐND quận, phường. Như vậy, ở cấp huyện và xã, cử tri sẽ bầu HĐND TP Thủ Đức, HĐND năm huyện (bầu 35 ĐB/huyện) và HĐND 63 xã, thị trấn (bầu 30 ĐB/xã).

Trên toàn địa bàn TPHCM có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH và 32 đơn vị bầu cử ĐB HĐND (mỗi đơn vị bầu ra ba ĐB, riêng một đơn vị tại huyện Hóc Môn bầu hai ĐB). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm