Hiệp định TPP và hành động của chúng ta

LTS: Nhân dịp Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng về chủ đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - hành động của chúng ta”. Pháp Luật TP.HCM xin trích đăng một số nội dung trong bài viết này (tựa và các tựa nhỏ trong bài do tòa soạn đặt).

Việc nước ta ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ là kết quả của quá trình năm năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Sâu xa hơn, đây là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng, ngày càng được khẳng định mạnh mẽ và kiến giải sâu sắc qua các nghị quyết của Đảng… Hội nhập kinh tế quốc tế còn là một nội hàm quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế

TPP cùng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (được xem là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó EU gồm 28 thành viên với GDP trên 18.000 tỉ USD và TPP hiện có 12 thành viên với GDP trên 20.000 tỉ USD. Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua. Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.

Cùng những cơ hội thuận lợi, các hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp (DN) và quốc gia - đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh… Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó cần xác định rõ vai trò và hành động của các chủ thể trong thực thi nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định này.

DN là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. DN phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Tuy vậy, DN không thể tự mình quyết định được tất cả, khi phải hành động trong khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: ĐÔNG TRIỀU

Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của DN.

Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, DN và xã hội. Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân;…

Phải dám chấp nhận đổi mới

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Tập trung mọi nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và thượng tôn pháp luật. Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cán bộ, công chức chỉ được làm và phải làm những việc theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục cải cách bảo đảm sự tương thích, đồng bộ giữa luật pháp, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức trùng lắp, chồng chéo sẽ gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển. Phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.

Đặt việc cải thiện môi trường kinh doanh trong yêu cầu cải cách thể chế. Thể chế tạo ra khuôn khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế phù hợp. Những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy mà còn gắn chặt với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đặc biệt quan tâm đào tạo một đội ngũ cán bộ pháp lý, các nhà quản trị DN đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh và phát triển.

 Chỉ trên nền tảng đổi mới thể chế quản trị quốc gia phù hợp mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN và của cả nền kinh tế. Cũng chỉ trên cơ sở đổi mới thể chế phù hợp mới tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn và một nền nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, ổn định nguồn cung để có thể tăng nhanh thị phần trên thị trường thế giới. Nếu không sẽ không tận dụng được cơ hội thuận lợi do TPP, FTA với EU và các FTA mới mang lại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm