Hiểm họa từ cần trục tháp xây dựng

Cần trục tháp cũ kỹ, cẩu quá tải, coi thường việc kiểm soát lắp đặt, không thường xuyên bảo trì, vận hành không đúng kỹ thuật… Đó là những lý do chính dẫn đến những tai nạn do cần trục tháp tại các công trình xây dựng gây ra.

Nội dung này được nhiều doanh nghiệp nhận định tại buổi tọa đàm tăng cường công tác đảm bảo an toàn sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng, do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 25-9.

Tai nạn rình rập từ cần cẩu xây dựng

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra không ít trường hợp cần trục tháp bị đổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Cụ thể như cần cẩu tháp tại công trình thi công dự án khu tái định cư - công viên cây xanh - thể dục thể thao ở phường 12, quận Bình Thạnh năm 2011 khiến một người chết, một người bị thương nặng. Vụ gãy đổ cần trục khác khi xây cao ốc Centec Tower, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 làm nhiều người bị thương.

Còn theo thống kê của Sở Xây dựng, vài năm trước là sự cố ngã cẩu tháp tại công trình nhà ở xã hội Tân Thới Nhất, quận 12 (năm 2017) hay tại công trình xây dựng chung cư trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8 (năm 2018).

Trước tình hình này, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cảnh báo: “Cần cẩu công trình xây dựng gãy đổ liên tục khắp từ Bắc đến Nam làm nhiều người chết và bị thương. Tai nạn từ cần cẩu đã xảy ra không ít nhưng công tác an toàn cho cần cẩu vẫn rất đáng lo ngại”.

Tay cần cẩu dài hàng chục mét chắn ngang đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: HT

Cần cẩu đang thi công công trình bất ngờ gặp sự cố đổ sập. Ảnh: HT

Thẩm định chất lượng cần cẩu qua… điện thoại!

Có nhiều nguyên nhân của việc cần cẩu sập như do lắp dựng, tháo dỡ, nâng chiều cao; điều kiện thời tiết, do móng cẩu tháp, vận hành không tuân thủ quy định… Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Đệ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Sài Gòn, trong các nguyên nhân thì yếu tố con người là quan trọng nhất.

Ngoài ra, ông Đệ cho rằng một trong những nguy cơ lớn nhất là cần cẩu được vận hành bởi những công nhân kỹ thuật không đủ tiêu chuẩn trên công trình. “Để giảm thiểu chi phí, các công ty xây dựng có thể thuê cần cẩu tháp, thuê nhân viên ngắn hạn hoặc nhà thầu riêng để vận hành cần trục tháp. Cũng để tiết kiệm chi phí, cần trục tháp được sử dụng có chất lượng kém do giá thuê rẻ. Ngoài ra, quá trình vận hành không được bảo dưỡng, lắp đặt không đúng kỹ thuật, nâng cẩu quá tải trọng cho phép” - ông Đệ nói. Nhận định trên của ông Đệ cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp tại buổi tọa đàm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2018 trên toàn quốc đã có 7.090 vụ tai nạn lao động làm 7.259 người bị nạn. Trong đó có 622 người chết. Lĩnh vực xây dựng chiếm gần 16% tổng số vụ tai nạn và gần 16% tổng số người chết. Trong đó, TP.HCM đứng đầu về số người chết do tai nạn lao động. 

Về phía Sở Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, thông tin hiện nay tai nạn do cần trục tháp dù có kiểm soát nhưng vẫn xảy ra. Ông Xuyên cho biết trên địa bàn TP hiện có 224 cần trục tháp được lắp đặt tại 124 công trình xây dựng. Trong đó, khoảng 60% các cần trục này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Xuyên cũng chỉ ra các tồn tại trong việc quản lý cần trục hiện nay như thiết bị đa số nhập từ nước ngoài, nhiều cần trục đã cũ, được sửa chữa, cải tạo mà không có hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất, tạo ra rủi ro về an toàn. Thiết kế móng cần trục, bệ cẩu, hệ thống neo không được thẩm định. “Thậm chí việc thẩm định hiện nay chỉ được thực hiện qua… điện thoại do xã hội hóa” - ông Xuyên cho hay. Do đó, có nhiều trường hợp biên bản kiểm định và giấy kiểm định nội dung không khớp nhau.

Một điều đáng quan ngại theo ông Xuyên là hiện nay cần trục ở Việt Nam được sử dụng gần như vĩnh viễn mà không có thời hạn. Trong khi ở nước ngoài, việc này được quy định rất chặt chẽ. Ông Xuyên cũng nêu thêm những tồn tại như nhiều đơn vị có lập kế hoạch thẩm định nhưng rất sơ sài hoặc khi vận hành có sai sót, cử người vận hành không đủ năng lực…

Tại buổi tọa đàm, Sở Xây dựng cũng đã có dự thảo thay thế Quyết định 73/2011 của UBND TP về quy định sử dụng cần trục tháp tại công trường xây dựng trên địa bàn TP. Theo Sở Xây dựng, quyết định này đã ban hành gần 10 năm, đến nay có nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn. Trong dự thảo này, Sở Xây dựng kiến nghị TP bổ sung những quy định về đảm bảo an toàn cho khu vực vùng ảnh hưởng của cần trục bên ngoài công trường. Bổ sung quy định niên hạn sử dụng cần trục, tăng cường kiểm tra việc kiểm định cần trục…

Nhiều vụ tai nạn từ cần cẩu làm dân hú vía

Trên thực tế, theo tài liệu của chúng tôi, còn nhiều vụ gãy đổ cần cẩu khiến cho người dân đi đường cũng như sống xung quanh công trình được phen hú vía.

Cụ thể như vụ sập cần cẩu trong công trình xây dựng dự án căn hộ cao cấp tại địa chỉ 376 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10 vào tháng 5-2016. Cần cẩu đổ sập xuống một trường mầm non bên cạnh, rất may là không trúng phòng học nên không có thiệt hại về người.

Tháng 3-2017, tại công trình dự án Topaz Home nằm trên đường Phan Văn Hớn, quận 12 cũng xảy ra sự cố sập cần cẩu khiến ba người bị thương.

Tháng 9-2018, thanh cần cẩu dài 30 m tại một công trình trên đường Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp đổ sập xuống chắn ngang con đường này. Người lưu thông trên đường may mắn né được.

Mới đây nhất là vào ngày 22-7-2019, cần cẩu ở dự án cống ngăn triều Phú Định, quận 8 đã đổ ập xuống căn nhà số 39 Đình An Tài, phường 7, quận 8 khiến ba người thoát chết trong gang tấc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm