Hết năm 2022, bỏ sổ hộ khẩu

Chiều 13-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua dự án Luật Cư trú (sửa đổi) với tỉ lệ hơn 93% đại biểu (ĐB) có mặt tán thành.

Điểm đáng chú ý của dự án luật vừa được thông qua là việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân.

Người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho đến hết ngày 31-12-2022. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không ảnh hưởng hiệu lực thi hành của Luật Cư trú

Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, tuy nhiên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31-12-2022.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Luật vừa được thông qua cũng yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này.

“Hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính” - luật quy định rõ.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho hay do Ủy ban Thường vụ (TV) QH đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các ĐBQH về nội dung nói trên vì quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau.

Kết quả lấy phiếu cho thấy trong số 402 ĐB cho ý kiến (tổng số 481 ĐBQH), có 266 vị đồng ý với phương án 1 cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022. Trong khi đó, 135 ĐBQH đồng ý với phương án 2 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành 1-7-2021.

Ủy ban TVQH đã tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.

“Quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của luật ngay từ thời điểm ngày 1-7-2021” - ông Tùng khẳng định.

Cũng theo ông Tùng, khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện tốt việc kết nối, liên thông... thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31-12-2022.

Quy định diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú tại chỗ ở nhờ, thuê

Một quy định khác cũng gây nhiều tranh luận liên quan đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Ông Tùng cho biết Ủy ban TVQH cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các ĐBQH về nội dung này.

Kết quả, có 235 ĐB đồng ý với phương án 1, quy định điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người. Dự thảo luật vừa được thông qua thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH là phương án 1.

Về điều kiện đăng ký tạm trú đối với người đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Ủy ban TVQH tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, không quy định điều kiện riêng đối với người đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hình thức quản lý cư trú

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị quy định công dân chỉ có một nơi cư trú (không phân biệt thường trú và tạm trú). Ý kiến này cũng đề nghị rà soát, chỉnh lý lại các khái niệm “cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú”… để thống nhất với quy định của dự thảo luật và Bộ luật Dân sự cũng như một số luật khác.

“Ủy ban TVQH thấy rằng các ý kiến nêu trên của ĐBQH là có cơ sở” - ông Tùng nói. Tuy nhiên, theo Ủy ban TVQH, trước mắt vẫn cần ghi nhận một số hình thức quản lý cư trú khác nhau như trong dự thảo luật.

Lý do bởi thực tế hiện nay, việc phân biệt giữa thường trú và tạm trú đang được sử dụng làm cơ sở, tiêu chí phục vụ xây dựng quy hoạch, phân bổ ngân sách, xác định định mức đầu tư cho y tế, giáo dục, thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội, thực hiện quyền bầu cử, ứng cử... cũng như một số nhiệm vụ quản lý khác của Nhà nước.

“Về lâu dài, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu để đề xuất hình thức quản lý cư trú phù hợp hơn nhằm quản lý thực chất nơi công dân thực tế sinh sống, bảo đảm chặt chẽ, chính xác phục vụ công tác quản lý, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả quốc gia” - ông Tùng nói.

Điều kiện đăng ký thường trú ở tỉnh, thành là như nhau

Luật Cư trú vừa được thông qua đã bỏ các điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương.

Theo đó, việc đăng ký thường trú tại các tỉnh và TP trực thuộc trung ương là như nhau, được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Luật này cũng bãi bỏ khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô quy định các điều kiện được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội.

+ Về việc đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Luật Cư trú (mới) quy định các điều kiện sau đây:

a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm