Hậu Giang: Diễn tập phong tỏa 1 khu vực để ứng phó COVID-19

(PLO)- Tình huống giả định là một nhóm người đi du lịch về từ vùng dịch, sau đó, địa phương liên tiếp phát hiện ca bệnh trong cộng đồng nên tiến hành phong tỏa để dập dịch.

Ngày 16-5, tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi diễn tập tổ chức phong tỏa, cách ly khu vực 3, phường 1, TP Vị Thanh  nhằm ứng phó phòng, chống dịch COVID-19. Đây điểm diễn tập đầu tiên của tỉnh, qua đó, rút kinh nghiệm để các địa phương trong tỉnh xây dựng phương án và chuẩn bị nhân lực, vật lực chủ động, kịp thời ứng phó nếu có xảy ra.

Tình huống giả định là: một người ngụ khu vực 3, phường 1 có biểu hiện ho, sốt, khó thở được gia đình đưa đến bệnh viện (BV) để khám bệnh. Qua tìm hiểu, người này vừa cùng một nhóm người khác đi du lịch từ vùng có dịch trở về địa phương và không khai báo. Sau khi thăm khám, BV nghi ngờ bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nên tiến hành cách ly tại khu khám sàng lọc, đồng thời thông báo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm người này dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến BV Phổi tỉnh để cách ly điều trị, bốn người trong gia đình bệnh nhân đó (F1) cũng được tiến hành cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Kết quả xét nghiệm có một trong bốn người dương tính với SARS-CoV-2 và cũng được chuyển đi cách ly điều trị. Cùng ngày, qua truy viết, lực lượng chức năng tiến hành cách ly tập trung hàng chục trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh.

Các ngày tiếp theo, liên tiếp có thêm hai trường hợp F1 của ca bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Đáng quan tâm, một người sống gần nhà bệnh nhân bất ngờ tử vong do bệnh già, tuy nhiên, nhiều người tung tin đồn là tử vong do mắc COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp đó, Chủ tịch UBND phường 1 đã báo cáo khẩn với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang đề nghị phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ khu vực 3 để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tổng diện tích khu vực bị phong tỏa có diện tích gần 20ha với hơn 610 hộ dân và khoảng 2.030 người.

Theo Kế hoạch, lực lượng chức năng thành lập 11 chốt kiểm soát, mỗi chốt kiểm soát gồm ba ca, mỗi ca tối thiểu có đủ bốn thành phần gồm: Công an, Dân quân tự vệ, Y tế và Thanh niên. Nhiệm vụ của các chốt là kiểm soát chặt chẽ, đồng thời hạn chế tối đa người ra, vào vùng phong tỏa.

Cạnh đó, tổ chức kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ cho người ra vào khu phong tỏa, phun hóa chất phun tiêu độc, khử trùng và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch cấp bách. Mặc khác, thành lập sáu tổ hỗ trợ hậu để cung cấp đồ ăn, nước uống và các vật dụng nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con trong khu vực phong tỏa.

Buổi diễn tập được truyền hình trực tuyến để tám địa phương trong tỉnh cùng theo dõi. Sau đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hậu Giang đã tổ chức họp rút kinh nghiệm. Tại đây, nhiều đại biểu đã góp ý để kịch bản hoàn chỉnh hơn, làm cơ sở để xây dựng phương án cho các đại phương tham khảo.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương khác rút kinh nghiệm để xây dựng kịch bản chặt chẽ hơn, đề ra nhiều tình tiết, chi tiết thực tế hơn. Đặc biệt, trong lúc diễn tập phải làm như thật để nếu tình hình có diễn ra thật thì các lực lượng nắm vững vai trò, vị trí để xử lý chủ động hơn.

Phát biểu chỉ đạo rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của các lực lượng góp phần cho buổi diễn tập thành công tốt đẹp. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị các huyện, thị xã, TP còn lại khi xây dựng kịch bản tình huống nên quan tâm gắn với thực tiễn địa phương, như: phong tỏa công ty, nhà máy, khu công nghiệp, vùng nông thôn,...

“Tình huống trong thực tế xảy ra nhiều lắm, phải tô đậm hơn để làm cho người dân ý thức hơn, phối hợp tốt hơn với cơ quan chức năng trong phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, phải xác định trong những tình huống như thế này ai là tổng chỉ huy để ban hành quyết định cuối cùng, đây chính là yếu tố quyết định thành công nếu có xảy ra thật.” – ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm