'Hành vi tiêu cực của quản lý thị trường là bài học đau đớn'

“Chúng ta phải hiểu là những người đại diện của pháp luật trong tất cả các hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm… Do đó, những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ quản lý thị trường (QLTT)” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, nêu tại hội nghị trực tuyến triển khai quyết định của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương ngày 22-8 như trên.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị ngày 22-8. 

Theo ông Trần Tuấn Anh, mỗi cán bộ QLTT không chỉ là những công chức, viên chức giỏi nghiệp vụ, chuyên môn của mình mà còn có những hiểu biết chung về phát triển kinh tế-xã hội, những khung khổ pháp lý chung. Bên cạnh đó phải có những phẩm chất của những người cán bộ thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân.

Bộ trưởng cũng cho rằng những hành vi có dấu hiệu trục lợi, câu kết, vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn là những hành vi bị pháp luật nghiêm trị. Những hành vi tắc trách vì thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng QLTT cũng như trong một bộ máy mới của tổ chức bộ máy Bộ Công Thương.

“Thực trạng vừa qua cũng cho thấy ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực; đó là những bài học rất đau đớn và chua xót, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới. Chúng tôi xác định trong tổ chức mới của Tổng cục QLTT, công tác về cán bộ, phẩm chất cán bộ là yêu cầu đầu tiên được quan tâm hàng đầu đảm bảo điều kiện tiền đề, giúp QLTT hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình” - ông nói.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Tổng cục QLTT gồm: Văn phòng Tổng cục , Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế , Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Cục Nghiệp vụ QLTT. Văn phòng Tổng cục có ba phòng và Trung tâm Truyền thông QLTT. Cục Nghiệp vụ QLTT có bốn phòng. Các vụ thuộc Tổng cục không có cơ cấu cấp phòng.

QLTT tại các tỉnh, TP gồm Cục QLTT tỉnh, TP; Cục QLTT liên tỉnh. Cơ cấu tổ chức Cục QLTT tỉnh có ba phòng; Cục QLTT Hà Nội và TP.HCM không quá bốn phòng; Cục QLTT liên tỉnh, TP trực thuộc trung ương không có quá năm phòng.

Đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh gồm đội QLTT huyện, quận; Đội QLTT liên huyện, quận; Đội QLTT chuyên ngành; Đội QLTT cơ động. Các đội QLTT cấp huyện không tổ chức phòng trực thuộc. 

Theo lộ trình, đến hết năm 2019 sẽ giảm Cục QLTT từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp, sáp nhập một số Cục QLTT liên tỉnh.

Về vấn đề tài chính, các chi cục QLTT sẽ được bàn giao nguyên trạng về Bộ Công Thương. Chi cục QLTT sẽ sử dụng và quyết toán với ngân sách địa phương hết năm 2018. Từ năm 2019, kinh phí hoạt động của QLTT sẽ thuộc ngân sách của Bộ Công Thương.

Sáp nhập quản lý thị trường, đội trưởng xuống đội phó 

Ông Cao Xuân Luật, Chi cục trưởng QLTT Quảng Ninh, cho biết thực tế nhiều cán bộ vẫn tâm tư khi sáp nhập các đội QLTT cũng như khi chi cục được nâng lên cục và liên cục QLTT.

“Mai mốt sáp nhập đội nọ vào đội kia, em không được làm đội trưởng nữa sẽ như thế nào? Em đang đội trưởng lại phải xuống đội phó” - ông Luật nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm