Hành trình của cái vỉa hè

Nhưng sản phẩm vỉa hè lại không phải là sản phẩm của người Việt. Người Pháp làm ra cái vỉa hè ở khu vực trung tâm mà di sản vẫn còn lại đến hôm nay cho chúng ta sử dụng là vào khoảng năm 1900 (hoặc sớm hơn một chút), khi mà những chiếc xe hơi đầu tiên hiệu Renault xuất hiện.

Lúc ấy, để đảm bảo cho người tham gia giao thông, người Pháp phân định rất rõ đường đi trong TP gồm hai phần rõ rệt là lòng đường và vỉa hè. Vỉa hè được làm cao hơn lòng đường và dành cho người đi bộ (sidewalk). Người Pháp làm vậy là để đảm bảo an toàn cho cả hai phía: người chạy xe an toàn mà người đi bộ cũng ung dung đi trên phần đường của mình.

Chỉ có điều thời ấy Sài Gòn được thiết kế chỉ cho 500.000 người, sau này là cho 1,2 triệu dân, cho nên vỉa hè rất hẹp (mà đủ), thường là 3-3,5 m. Sau này, vỉa hè cũng cứ thế mà kéo dài ra, không lớn hơn mà cũng không teo tóp đi. Trước năm 1985, lòng đường, vỉa hè còn khá thông thoáng, xe ít, người bán hàng trên vỉa hè chưa nhiều, thỉnh thoảng mới thấy có xe bán hủ tiếu, người bán cà phê buổi sáng. Theo năm tháng, dân cư Sài Gòn đông đúc dần lên, đến nay đã tròm trèm 10 triệu, chưa kể hai triệu người vãng lai, với hơn 6,5 triệu xe máy, gần một triệu xe hơi. Khi ấy hàng trăm ngàn cửa hàng mặt phố bung ra san sát nhau. Vậy là vỉa hè trở thành nơi làm ăn lý tưởng cho rất nhiều người.

Cái vỉa hè xưa kia chỉ gánh có một chức năng là cho người đi bộ thì nay phải gánh không biết bao nhiêu thứ. Có những thứ bất động như trạm gọi điện thoại, trạm rút tiền ATM, trạm xe buýt, cột nước chống cháy, cột đèn, ghế đá, bồn hoa, thảm cỏ… Và lúc này người đi bộ buộc phải rời vỉa hè để xuống lòng đường. Lâu dần, người bán hàng mặc nhiên coi vỉa hè trước mặt là không gian sở hữu riêng của mình. Thực sự thì vỉa hè được coi là không gian công cộng, của công sản và Nhà nước đầu tư xây dựng, sửa chữa để cho mọi người cùng hưởng. Sẽ là vô lý nếu phần đó bị “tư nhân hóa”, còn người dân phải nhường cho người kinh doanh thu lời cá nhân.

Làm thế nào để trả vỉa hè cho người đi bộ lúc này xem ra nan giải. Bởi nó mang lại lợi ích quá lớn cho người chiếm dụng, nó chứa đựng sự xung đột giữa một bên là lợi ích nhóm và lợi ích cộng đồng với một bên là lợi ích kinh tế và trật tự xã hội cần thiết lập. Mỗi lần lực lượng trật tự ra quân thu gom xe hàng, vật dụng bán trên vỉa hè của người bán hàng rong là vấp phải luồng dư luận xã hội phản ứng, cho là không nhân bản với người nghèo.

Do là bài toán hóc búa nên từ năm 2000 đến nay, xung quanh cái vỉa hè cứ bùng nhùng mãi cho dù không biết bao nhiêu nghị định, thông tư ban hành.

Nhìn ra những nước xung quanh, không thiếu các khu trung tâm đô thị được hình thành cách nay vài trăm năm như Phnompenh bởi người Pháp; Kuala Lumpur, Singapore bởi người Anh; Manila bởi người Tây Ban Nha… Các trung tâm này rất nhỏ, đường ngắn, vỉa hè hẹp nhưng họ biết sắp xếp nên khá gọn gàng. Các nhà phố thị (shophouse) được kinh doanh nhưng tuyệt đối không thò ra thụt vào ở vỉa hè, người bán hàng rong được sắp xếp vào nơi nhất định, tiện kinh doanh theo giờ. Các bãi đậu xe hơi, xe máy được bố trí hợp lý, nơi nào đất hẹp thì làm nhà cao tầng chứa xe, làm hầm ngầm, tận dụng các khoảng trống ở các hộ gia đình cho thuê xe dịch vụ theo giờ với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp người lái xe biết ngay chỗ nào còn trống. Người dân hình thành thói quen đi bộ từ nơi gửi xe đến nơi mình cần như nhà hàng, quán cà phê, công sở, chùa chiền với khoảng cách một vài trăm mét mà không thấy ngại mà lại còn tốt cho sức khỏe.

Mọi chuyện bắt đầu hoặc tái khởi động sẽ khó khăn nhưng dẫu sao cũng phải làm, nếu không khách du lịch sẽ bỏ chúng ta mà đi, mà một trong các nguyên nhân là phải đi dưới lòng đường như làm xiếc. Chuyện cái vỉa hè tưởng đơn giản mà phức tạp. Nhưng chỉ việc tái lập trật tự lòng đường và vỉa hè mà không làm được thì nói gì đến mơ ước xa xôi, đến sự cất cánh thành rồng, thành phượng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm