‘Hành động để tội phạm không có đất sống’

Sáng 1-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: “Các đồng chí phải làm sao để bước ra khỏi hội trường này về là quyết tâm làm. Chỉ đạo thì đã có bí thư chỉ đạo rồi, giờ chỉ còn bắt tay nhau làm để tội phạm không có đất sống”.

Tội phạm giảm nhưng chưa căn cơ

Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết năm qua ghi nhận xảy ra hơn 6.000 vụ phạm pháp hình sự (so với năm 2014 giảm 377 vụ).

Trung tướng Phong nhìn nhận phạm pháp hình sự còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Các băng nhóm tội phạm dịch chuyển sang các địa bàn vùng ven, móc nối với các băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc trái phép…

Sau khi nghe Giám đốc Công an TP Lê Đông Phong báo cáo về tình hình tội phạm, ông Nguyễn Thành Phong nhận định: Chúng ta đã nỗ lực và đạt được kết quả nhất định để kéo giảm tội phạm trên địa bàn TP. Tuy nhiên, phạm pháp hình sự có giảm nhưng chưa căn cơ, vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều thách thức…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải) và Trung tướng Lê Đông Phong tại hội nghị.  Ảnh: TÁ LÂM

“Đề nghị các đồng chí thể hiện quyết tâm chính trị cao để làm sao kéo giảm tình hình tội phạm một cách căn cơ. Tôi đề nghị chúng ta phân tích, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế đặt ra… Mục tiêu của chúng ta là kéo giảm tội phạm để mang lại bình yên cho người dân, để cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Không nói lý luận nữa mà phải trình bày rõ những giải pháp cụ thể” - ông Phong đề nghị.

Ông Phong cũng khẳng định vẫn còn tình trạng cán bộ một số nơi đối phó, thiếu trách nhiệm trong chống tội phạm. Đặc biệt là cơ chế xử lý người đứng đầu trong vấn đề phòng, chống tội phạm chưa quyết liệt…

Nghiên cứu lập CLB phòng, chống tội phạm

Tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, đã đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm như: nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm phòng, chống tội phạm tình nguyện. Nhân rộng mô hình camera an ninh trật tự tại địa bàn cấp xã (theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”). Nghiên cứu cơ chế huy động quỹ phòng, chống tội phạm và thưởng bằng vật chất cho quần chúng nhân dân có thành tích trong trực tiếp truy bắt tội phạm hoặc cung cấp tin báo có giá trị trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

“Cụ thể, theo hướng UBND phường/xã/thị trấn vận động cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký trước. Khi quần chúng có thành tích, công an cấp xã thông tin ngay cho cá nhân, doanh nghiệp đến trực tiếp trao thưởng hoặc ủy quyền cho UBND, công an cấp xã trao thưởng nếu không muốn công khai danh tính” - ông Phong nói.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong thời gian tới, địa bàn nào để xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự kéo dài, lãnh đạo địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP. “Nếu lãnh đạo địa bàn nào không làm tròn trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm sẽ bị thay thế” - ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Giải pháp đặc biệt của tướng Phan Anh Minh

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, kiến nghị xem xét cho phép hình sự đặc nhiệm được sử dụng những phương tiện di chuyển, phương tiện thông tin liên lạc sung công từ những vụ án để sử dụng vào việc tuần tra, truy bắt tội phạm theo một quy chế chặt chẽ. Ông cũng đề xuất: Sở TT&TT yêu cầu các nhà mạng chặn không cho các thiết bị di động mất cắp của các nạn nhân hoạt động sau khi công an cung cấp số IMEI (số nhận dạng thiết bị di động quốc tế) của nạn nhân. “Làm được điều này, tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản sẽ giảm trên 50%” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm