Hàng trăm người gùi hàng vào xã bị cô lập do lũ

Đã năm ngày qua, hai xã Phước Thành và Phước Lộc của huyện Phước Sơn, Quảng Nam vẫn đang bị cô lập. Con đường dẫn vào hai xã có đến hơn 1.000 điểm sạt lở, có đoạn sạt lở kéo dài đến 1,5 km khiến người dân hai xã không thể tiếp cận với bên ngoài.

Đàn ông làm nhà, đàn bà gùi hàng

Lũ, sạt lở kinh hoàng ở hai xã ngoài việc cướp đi sinh mạng của nhiều người còn đẩy hàng chục gia đình lâm vào thảm cảnh mất nhà, thiếu ăn, thiếu mặc... Những ngày qua, tỉnh Quảng Nam đã huy động, kêu gọi mọi lực lượng hỗ trợ tiếp cận, cứu hộ những người dân bị cô lập.

Ở sở chỉ huy, nhiều cuộc họp gấp rút được tổ chức tìm mọi cách tiếp cận. Cuối cùng, hai phương án được chốt. Sáng 1-11, chiếc trực thăng đầu tiên đưa 2 tấn hàng cứu trợ vào xã Phước Lộc. Còn xã Phước Thành, hàng hóa tập kết ở xã Phước Kim, hàng trăm người dân, chiến sĩ cùng đi bộ vượt đường rừng gùi hàng vào trong.

Chị Nguyễn Thị Tình (ngụ thôn 2, xã Phước Thành) cho hay căn nhà nhỏ của gia đình chị không thể trụ vững sau cơn bão số 9. Nhà cửa hư hỏng, quần áo, thức ăn thiếu thốn mọi thứ. Ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới sáu tháng đang phải ăn nhờ ở đậu, thiếu ăn, thiếu sữa mấy ngày nay.

“Nghe tin cán bộ mang hàng cứu trợ cho bà con nhưng không đưa vào được, em gửi con cho bà nội trông coi. Em ra đây cõng thức ăn, quần áo cứu trợ về cho cả gia đình, cho hàng xóm nữa. Họ lo nhà cửa không đi được, chồng em phải lo dựng nhà. Mấy ngày nay thiếu quá!” - chị Tình nói.

Tương tự, chị Hồ Thị Thế (ngụ thôn 2, xã Phước Thành) kể cơn lũ ùa về, cả gia đình chị chỉ kịp dìu nhau bỏ chạy. Nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi hoàn toàn. Mấy ngày nay, hai đứa con chị phải mượn quần áo của hàng xóm mặc tạm. Từ sáng sớm, hai vợ chồng tranh thủ đi bộ gần 5 tiếng đến nhận hàng.

“Cuốn trôi sạch, không còn cái chi hết! Hai đứa con không có quần áo mặc, hai vợ chồng cũng chỉ còn bộ đồ trên người, chỉ kịp chạy lấy người rồi ăn, ở nhờ nhà hàng xóm. Hôm nay phải dậy từ sớm, đi bộ ra nhận hàng, chắc phải tối mới về tới nhà” - chồng chị Thế nói.

Người dân xã Phước Thành cùng nhau cắt rừng, cõng hàng cứu trợ. Ảnh: THANH NHẬT

Nhường cơm sẻ áo cho bà con, hàng xóm

Anh Hồ Văn Kha (ngụ thôn 2, xã Phước Thành) cho biết lũ tàn phá nhưng may là nhà anh vẫn trụ vững. “Nhà mình thiệt hại nặng lắm. Ruộng, rẫy trồng quế, trâu… bị trôi, tới đây không biết làm gì. Còn ăn, mặc thì nhiều người thiếu lắm! Nước uống cũng thiếu do nước suối về đục ngầu. Nhưng mình chỉ lấy gạo, thức ăn thôi, để quần áo lại cho bà con bị trôi nhà nhận” - anh Kha tâm sự.

Ở xã Phước Lộc, để vận chuyển lượng hàng cứu trợ lớn đủ cho cả xã là nhiệm vụ bất khả thi. Hai ngày qua, trực thăng mang hàng cứu trợ vào thả bên trong. Dưới đất, người dân, cán bộ phất cờ báo hiệu điểm nhận hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam (người được Tỉnh ủy phân công phụ trách chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn ở huyện Phước Sơn), cho biết hiện nay các lực lượng cùng người dân vẫn đang tiếp tục cứu trợ hai xã bị cô lập Phước Thành, Phước Lộc bằng hai mũi chính là trực thăng và gùi hàng bằng đường bộ.

“Hai ngày, bốn chuyến bay trực thăng đã thả khoảng 8 tấn hàng ở xã Phước Lộc. Tại xã Phước Thành, bộ đội cùng người dân tiếp tục gùi hàng vào trong. Đến chiều 2-11 đã gùi được khoảng 15 tấn hàng, quần áo” - ông Hà thông tin.

Có khoảng 500 người dân, dân quân xã Phước Thành đang vượt gần 15 km đường sạt lở đến điểm tập kết ở xã Phước Kim gùi hàng. Tùy sức khỏe, có người mang gần 60 kg, có người chỉ 25 kg.

Hàng cứu trợ gồm gạo, mì tôm, nước mắm, quần áo... Đoàn người nối dài, băng qua những đoạn dốc dựng đứng. Họ đi vì cái ăn, cái mặc cho cả gia đình, cho những người trong xã. Có người hai ngày nay đã đi gùi hàng đến hai lần.

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết đến nay người dân vẫn chưa có điện. “Một số người dân nhà cửa bị cuốn trôi tập trung ở UBND xã. Hàng cứu trợ được người dân gùi về tập kết ở trụ sở UBND xã, sau đó chia cho từng thôn vì hàng hóa đã được chia từng bao, theo loại” - ông Phức nói.

Theo ông Phức, mấy ngày qua bà con hết sức khó khăn, một số nhà có điều kiện nhưng vẫn không mua được lương thực, thứ bà con cần nhất là lương thực.

“Hai ngày nay, đã hơn 1.000 lượt người gùi hàng... Bà con nhận gạo, quần áo, có người mừng đến khóc” - ông Phức chia sẻ.

Ông hy vọng sau khi khắc phục đường sá, các cấp sẽ có phương án hỗ trợ bà con bị thiệt hại.

Đã tìm thấy tám thi thể ở xã Phước Thành

Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi đào bới gần 1 ha ngay tại khu vực sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My nhưng không thấy tung tích 14 người mất tích, lực lượng chức năng đã chuyển máy móc, thiết bị tiếp tục tìm kiếm ở khu vực bãi bồi ven sông Leng.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục canô, thuyền tìm kiếm ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh. Sạt lở Trà Leng đã có tám người chết và 14 người đang mất tích.

 Chiều 2-11, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy tám thi thể mất tích do sạt lở đất ở xã Phước Thành. Lực lượng bộ đội đã tiếp cận được hiện trường, tiếp tục đào bới bùn đất để tìm kiếm các nạn nhân còn lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm