Hàng siêu trường, siêu trọng ùn ứ ở cảng

Bộ GTVT vừa có cuộc họp với các sở GTVT TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, các cảng biển, chủ hàng và doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ tình trạng hàng hóa siêu trường, siêu trọng đang ùn ứ ở các cảng biển sau khi các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra tải trọng đường bộ.

Xe siêu trường, siêu trọng có quá tải?

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là đơn vị có nhiều hàng siêu trường, siêu trọng đang bị ùn ứ ở các cảng. Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, cho biết: Hàng của chúng tôi là máy biến áp có tải trọng lớn, nguyên đai, nguyên kiện không thể tách rời mà Việt Nam chưa sản xuất được. Để vận chuyển hàng, chúng tôi tổ chức đấu thầu và chỉ những đơn vị có đủ năng lực, phương tiện mới được tham gia.

“Xe chở hàng siêu trường, siêu trọng là phương tiện chuyên dùng có rất nhiều trục, tải trọng được chia đều cho các trục. Chỉ khi đơn vị vận tải không tuân thủ đúng tải trọng trên trục thì mới quá tải chứ không phải xe chở hàng siêu trường, siêu trọng nào cũng quá tải. Hiện nay, hầu hết xe quá tải là xe chở hàng rời như tôn, thép, đá, xi măng, phân bón… do họ chất hàng vượt quá trọng tải của xe” - ông Lẫm phân tích.

Máy biến áp đang nằm ở cảng dù có phương tiện chuyên dùng để vận chuyển vì chờ giấy phép lưu hành. Ảnh: TRUNG DUNG

Ông Nguyễn Đăng Sâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đa phương thức (Vietranstimex), tiếp lời: “Chúng tôi ủng hộ việc kiểm tra chặt xe quá tải. Nhưng cũng cần phải hiểu đúng thế nào là xe chở quá tải. Khoảng 60% máy móc, thiết bị công trình trọng điểm cấp quốc gia do chúng tôi vận chuyển đều có tải trọng lớn. Để vận chuyển, chúng tôi nhập khẩu những đầu kéo - rơmoóc chuyên dùng với giá thành rất cao. Nếu căn cứ trên thiết kế, các phương tiện chúng tôi sử dụng để chở hàng siêu trường, siêu trọng không quá tải”.

Giấy phép có cũng như không

Theo ông Lẫm, thủ tục cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho các xe siêu trường, siêu trọng hiện nay khá rườm rà. Trung bình doanh nghiệp phải mất 25 ngày mới được cấp giấy phép.

Ông Đặng Văn Trung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, trả lời: Thời gian cấp giấy phép lưu hành chỉ là hai ngày nếu có đầy đủ hồ sơ về phương tiện vận chuyển, hồ sơ hàng hóa và hồ sơ về đường. Tuy nhiên, nếu tải trọng của xe và hàng hóa vượt quá sức chịu tải của cầu đường thì phải có giải pháp gia cố cầu đường hoặc có đơn vị tư vấn đi khảo sát tuyến đường vận chuyển để có giải pháp phù hợp. Còn nếu xe qua tuyến đường do các địa phương quản lý cần có thêm xác nhận của Sở GTVT.

“Anh Trung nói nếu đủ hồ sơ thì hai ngày sau doanh nghiệp sẽ được cấp giấy. Nhưng thế nào là đầy đủ hồ sơ? Tôi đề nghị cấp giấy phép lưu hành đặc biệt theo hướng một cửa để bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Cần phải có một quy định rất cụ thể, đừng bắt chủ doanh nghiệp phải đi gặp ông này ông kia để hỏi” - ông Lẫm nêu ý kiến.

 Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc công ty TNHH Vận tải Minh Thành, phản ánh thêm: Chúng tôi chuyên chở hàng thiết bị máy móc, tải trọng không lớn nhưng thường quá khổ. Giấy phép của Cục Quản lý đường bộ IV lại chỉ có thời hạn 15 ngày, nội dung rất chung chung, không ghi rõ tuyến đường cụ thể nên CSGT và thanh tra giao thông thường lập biên bản vì xe lưu thông sai tuyến đường. Nhiều trường hợp xin chở hàng cao 4,7 m thì lại cấp 4,2 m (theo quy định hàng hóa cao 4,2 m không phải xin phép - PV), tải trọng cho phép thấp hơn quy định bốn tấn. Nhiều lúc có giấy phép lưu hành cũng như không.

“Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bộ GTVT cần chỉ đạo cơ quan cấp giấy phép ghi rõ tuyến đường cụ thể, chiều cao và chiều dài phù hợp với kiện hàng chúng tôi vận chuyển…” - ông Thành đề nghị.

Cấp giấy theo quy chế một cửa

Sau khi nghe các ý kiến, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, yêu cầu: Đề nghị chủ hàng siêu trường, siêu trọng khi ký hợp đồng vận tải nên chọn các doanh nghiệp vận tải đủ năng lực, có phương án vận chuyển rõ ràng cùng phương án gia cố cầu đường do đơn vị tư vấn khảo sát, thẩm định. “Các đơn vị quản lý cấp phép phải thực hiện nghiêm quy chế một cửa, không để doanh nghiệp phải đi tới đi lui nhiều lần” - ông Hùng chỉ đạo.

TRUNG DUNG

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng từng phát biểu là nếu xe chở 100 tấn hàng mà sử dụng phương tiện chuyên chở phù hợp thì không phải là quá tải. Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Thăng và suy nghĩ, hành động của người thực hiện nhiệm vụ trên đường vẫn còn khoảng cách…

Ông LƯƠNG HOÀNG TRUNG,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm