Hàng loạt vụ người khiếu kiện tấn công cán bộ tiếp dân

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), giai đoạn năm 2012-2015, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt là số đoàn đông người khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng 61,6% so với giai đoạn 2008-2011.

Diễn biến rất phức tạp

Các vụ việc đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên trung ương. Một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan trung ương, diễu hành tại Hà Nội hoặc tập trung trước nhà riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Các đoàn công dân khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tổ chức chặt chẽ và được sự ủng hộ lương thực, tiền của một số tổ chức tự phát.

Đáng chú ý, tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích như: chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức tiếp công dân… Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân như: Công dân tỉnh Thanh Hóa dùng dao chém vào đầu cán bộ của Ban; công dân tỉnh Nam Định đấm vào mặt Phó Vụ trưởng (Ban Nội chính Trung ương); công dân các tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội bao vây, túm á, chặn xe, xúc phạm và đe dọa Trưởng ban; công dân Nghệ An có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Lắk đe dọa giết Phó Trưởng phòng Tiếp dân 1; công dân Bà Rịa-Vũng Tàu chửi bới, xúc phạm, túm áo đe dọa đánh cán bộ tiếp dân Văn phòng Chính phủ; 2 công dân tỉnh Bạc Liêu đánh vào mặt trưởng ban…

Người dân khiếu kiện trong một lần đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Phần lớn các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân khiếu kiện về đất đai trong một số trường hợp chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; một số chủ trương, chính sách đất đai còn bất cập; một số vụ việc khiếu nại về nhà đất do lịch sử để lại nay rất khó giải quyết dứt điểm...

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém. Quá trình thu hồi đất của dân để làm dự án, nhiều nơi thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục, chưa bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, giá đất bồi thường chưa phù hợp, thu hồi đất của dân để làm dự án nhưng nhiều năm không sử dụng...

Ngoài ra, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, cá biệt một số trường hợp có thái độ không đúng, thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ.

Điều này, dẫn tới vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực này ở địa phương có nơi còn hạn chế về năng lực, trình độ, kinh nghiệm… chất lượng giải quyết còn sai sót, gây bức xúc cho công dân.

Phải giải quyết dứt điểm

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho hay, tiếp công dân (TCD) và giải quyết khiếu nại tố cáo (KN-TC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước.

“Làm tốt công tác giải quyết KN-TC, không những bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền mà còn góp phân nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài chứ không giải quyết hết thẩm quyền. Ảnh: LÊ PHI.

Để đánh giá công tác TCD và giải quyết KN-TC từ năm 2012 đến nay và đề ra giải pháp, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu  các bộ ngành trung ương và các địa phương phải đánh giá chính xác tình hình, nguyên nhân dẫn đến KN-TC.

“Đánh giá đúng, khách quan, sát thực tế tình hình KN-TC, dự báo trong thời gian tới và tại sao KN-TC trong thời gian qua có xu hướng giảm nhưng số vụ khiếu kiện đông người lại tăng. Chúng ta cần làm rõ các nguyên nhân này để có giải pháp sát thực tế, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho hay cần tập trung làm rõ, đi sâu vào các nguyên nhân chủ quan. Nhất là những tồn tại hạn chế yếu kém trong quản lý nhà nước và công tác TCD để giải quyết KN-TC.

“Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Pháp luật đất đai ngày càng hoàn thiện tại sao khiếu nại tố cáo vẫn tăng, phải chăng là do khâu tổ chức, thực hiện pháp luật”, Phó thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị phải đánh giá chính xác những kết quả và tồn tại, hạn chế và các báo cáo đã chính xác, khách quan chưa.

“Từ thực tế giải quyết KN-TC cần nêu bài học kinh nghiệm, kiểm nghiệm các cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là các giải pháp nêu trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có phù hợp với thực tiễn không? hiệu quả thế nào? Cần sửa đổi bổ sung vấn đề gì?”, Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải đề xuất chủ trương giải quyết để nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KN-TC. Dự báo tình hình khiếu nại tố cáo trong thời gian tới, tính chất-mức độ như thế nào? Phát sinh ở những đâu? Xuất hiện yếu tố mới gì không? Xác định đúng vị trí, vai trò của công tác TCD, giải quyết KN-TC; phương châm, biện pháp giải quyết bảo đảm tính hợp pháp, có căn cứ nhưng phải hợp lý, phù hợp với thực tiễn và tính khả thi.

“Giải quyết dứt điểm chứ không phải là chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Về giải pháp, các giải pháp hiện nay đã đủ chưa? Cần bổ sung những giải pháp nào? Lựa chọn giải pháp nào để ổn định tình hình khiếu nại tố cáo hiện nay hoặc giảm các sự việc đông người, kéo dài, vượt cấp lên trung ương. Bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Việc giải quyết các vụ việc phức tạp, bức xúc, kéo dài ngoài những quy định như hiện nay thì cần có những chủ trương gì mới để giải quyết dứt điểm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm