Hạn chế khai thác nước ngầm để chống hạn

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Phóng viên: Thưa ông, trung bình mỗi ngày trên địa bàn TP có bao nhiêu khối nước ngầm và nước mặt đang bị khai thác?

Ông NGUYỄN VĂN NGÀ: Theo điều tra, thống kê tình hình khai thác nước trên địa bàn TP năm 2008, cho thấy mỗi ngày lượng nước khai thác từ nước mặt khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm (từ sông Đồng Nai khoảng 900.000 m3/ngày, sông Sài Gòn khoảng 300.000m3/ngày), nước dưới đất 582.000 m3/ngày (có 707 doanh nghiệp được sở cấp giấy phép với tổng khối lượng nước khai thác khoảng 327.000m3/ngày). Còn lại là số giếng khai thác trong các hộ dân không phải xin phép nhưng phải đăng ký khai thác tại cấp xã (hiện nay đã đăng ký khoảng 32.000 giếng) và các đơn vị sản xuất quy mô vừa và nhỏ khai thác chưa có phép.

Hạn chế khai thác nước ngầm để chống hạn ảnh 1

Khai thác nước ngầm quá mức sẽ gây tác hại xấu đến môi trường (Ảnh: vận hành hệ thống máy bơm tại một nhà máy khai thác nước ngầm ở Bình Chánh). Ảnh: Đức Trí

Với khối lượng nước bị khai thác trên liệu có ảnh hưởng đến độ lún sụt của mặt đất và chất lượng nguồn nước ngọt?

Thời tiết năm nay diễn biến khá bất thường. Chỉ mới vào đầu mùa nóng nhiệt độ đã đạt ngưỡng xấp xỉ 400C và được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết mùa khô, gây ảnh hưởng rất lớn đến trữ lượng nguồn nước. Đơn cử như sông Đồng Nai, các công ty cấp nước đã phát hiện có hiện tượng suy giảm lượng nước (gần 20cm so với cùng kỳ năm 2008) và tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn cùng kỳ năm trước. Vấn đề chưa từng xảy ra trong lịch sử sông Đồng Nai từ trước đến nay. Hiện tượng này chứng tỏ nước ngầm bổ sung cho sông Đồng Nai đang bị suy giảm.

Theo tài liệu quan trắc các tầng nước ngầm của TP năm 2009 cho thấy mực nước ở các tầng chứa nước chính tương đối ổn định. Riêng việc khai thác nước ngầm có ảnh hưởng đến mặt đất thì khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mực nước khai thác cho phép khác nhau phù hợp với kết cấu nền đất những khu vực khác nhau thì không đáng lo ngại lắm. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai dự án nghiên cứu sự biến dạng mặt đất làm cơ sở cho việc hạn chế hoặc cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.

Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cho rằng nếu TP triển khai hạn chế khai thác nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt?

TP triển khai hạn chế khai thác nước ngầm chứ không cấm. Điều này có nghĩa, tại những khu vực đã có mạng lưới cấp nước ổn định thì khu vực đó sẽ hạn chế khai thác nước (không cấp phép khai thác mới). Còn những khu vực chưa có nước cấp tạm thời vẫn cho sử dụng nước ngầm. Mặt khác, sở sẽ yêu cầu Tổng Công ty Cấp nước TP sớm hoàn thiện mạng lưới cấp nước tại khu vực này.

Trên thực tế, việc hạn chế khai thác nước ngầm đã được sở triển khai từ năm 2007 và áp dụng trước 13 quận nội thành đã có mạng lưới nước cấp và kết quả đạt được là khả quan. Hiện nay khu vực hạn chế khai thác nước ngầm có lưu lượng khai thác chỉ chiếm khoảng 9% tổng lượng nước khai thác trên toàn TP. Sở đang triển khai Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31-12-2008 về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Trước hết sẽ lập Bản đồ cấm, hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất cho TP. Từ đó sẽ có kế hoạch cấm và hạn chế khai thác nước ngầm toàn TP.

Thế nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp đã có nguồn nước cấp nhưng vẫn sử dụng nước ngầm để phục vụ sản xuất?

Đúng là trên thực tế vẫn có khá nhiều tổ chức, cá nhân dù đã có nguồn nước cấp nhưng vẫn sử dụng nước ngầm do giá thành rẻ (giá đầu tư khai thác nước ngầm thấp và thuế tài nguyên nước cũng thấp - thuế suất 1%-8% của giá tính thuế 2.000 đồng/m3 đối với nước mặt và 4.000 đồng/m3 đối với nước ngầm). Để sớm chấm dứt tình trạng này, ngoài công tác tuyên truyền các quy định của thành phố về quản lý tài nguyên nước ngầm, cần phải nghiên cứu để xác định giá tính thuế hợp lý và kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm thật nghiêm.

Theo Ái Vân (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm