Hải quan: Nhân rộng nụ cười, ‘cà phê sáng’ cùng doanh nghiệp

Sáng 20-8, Hội nghị đại biểu điển hình tiên tiến lần thứ VI của Tổng cục Hải quan đã được Bộ Tài chính tổ chức theo hình thức trực tuyến.

“Người gác cửa nền kinh tế” thời hội nhập và thương chiến

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra bức tranh chính trị, kinh tế thế giới những năm qua, hiện nay và sắp tới có nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng thương mại trong khu vực và quốc tế leo thang… Trong bối cảnh đó, Hải quan Việt Nam (VN) là “người gác cửa nền kinh tế” để vừa bảo đảm cho kinh tế VN hội nhập, vừa không bị cuốn vào các cuộc thương chiến quốc tế. Cụ thể, Hải quan VN đã chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý, thông quan hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu, đồng thời đảm bảo môi trường lành mạnh cho các hoạt động kinh tế trong nước và thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng hệ thống hải quan đã có những bước đi mạnh dạn, chủ động trong tiến trình hội nhập và từng bước phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo liên kết chặt chẽ về kinh tế, thương mại giữa thế giới với VN.

Bộ trưởng cho rằng: Tổng cục Hải quan đã góp phần cắt giảm chi phí, thời gian, công sức cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hải quan. “Cụ thể, đến năm 2019, số giờ làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng qua lại biên giới đã giảm hàng chục giờ so với trước năm 2015. Từ đó góp phần vào kết quả, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của VN năm 2019 vượt mốc 517 tỉ USD, xuất siêu trên 10 tỉ USD” - Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị thi đua ngành hải quan sáng 20-8. Ảnh: ĐẠI THANH

Phá nhiều vụ án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng biểu dương các chiến công xuất sắc của lực lượng chống buôn lậu, góp phần phá được nhiều chuyên án lớn, quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

“Kết quả từ năm 2015 đến nay, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ trên 84.300 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 6.400 tỉ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỉ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 247 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 571 vụ án hình sự” - Bộ trưởng Dũng nêu.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán

Trong giai đoạn 2015-2019, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của Hải quan VN luôn vượt dự toán được Quốc hội, Thủ tướng và Bộ Tài chính giao. Cụ thể, năm 2015 thu 260.000 tỉ đồng, đến năm 2019 đã đạt 348.721 tỉ đồng, tăng 34,12%, đóng góp quan trọng vào nguồn thu của ngân sách trung ương, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. 

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh, đạt được thành quả trên là từ chính công tác thi đua của cục. “Hoạt động thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát cũng được đẩy mạnh. Nhiều nguồn tin từ nước ngoài được cung cấp qua hệ thống kết nối thông tin tình báo khu vực và quốc tế được các đơn vị chuyên trách tiếp nhận, đánh giá bước đầu và phối hợp với các đơn vị liên quan phân tích, chuyển hóa thành các vụ án, chuyên án lớn” - ông Hùng Anh nói.

Đặc biệt, các hải đội luôn đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ để triển khai các chuyên đề, chuyên án đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy và hàng giả. Từ đó, hàng trăm vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua bên giới, trên tuyến biển với giá trị hàng trăm tỉ đồng bị bắt giữ. Trong đó có cả các chuyên án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia như buôn lậu vũ khí, một số chuyên án lớn về buôn lậu xăng dầu, thuốc lá ngoại, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng với số lượng đặc biệt lớn, phương thức thủ đoạn tinh vi.

“Đa số các vụ án lớn đều được Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố và chuyển cơ quan CSĐT để xử lý” - ông Hùng Anh cho hay.

Nở nụ cười và cà phê sáng cùng doanh nghiệp

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, trong giai đoạn 2015-2020, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong ngành hải quan đã triển khai, tổ chức nhiều phong trào thi đua riêng hoặc lồng ghép với công việc chuyên môn.

Điển hình, Cục Hải quan Quảng Ninh với phong trào “Kỷ cương - Liêm chính - Chủ động - Quyết liệt” và sáng kiến xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở thuộc Cục Hải quan tỉnh (CDCI) nhằm khảo sát đánh giá cảm nhận, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với bảy chi cục hải quan.

Cục Hải quan Hải Phòng với phong trào “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp”. Hải quan Hải Phòng là đơn vị tiên phong triển khai thành công Hệ thống quản lý giám sát tự động tại cảng biển nhằm rút ngắn thời gian, giảm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp. Cục Hải quan Bình Dương triển khai “Nụ cười công sở” gắn với việc phục vụ doanh nghiệp.

Cục Hải quan TP.HCM triển khai “Cà phê sáng cùng doanh nghiệp” nhằm đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp phản ánh vướng mắc, trao đổi về giải pháp cải cách tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan. Gần đây, đơn vị này chủ động xây dựng và triển khai đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái” với mục tiêu tiếp tục khơi thông dòng chảy hàng hóa qua cảng biển có lưu lượng xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm