Hải quan lý giải việc đấu giá 170 tấn thịt trâu bị tịch thu

Ngày 1-8, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chính thức liên quan đến việc đấu giá lô thịt trâu đông lạnh gần 170 tấn bị tịch thu vào cuối tháng 2-2018 vừa qua.

Trước đó, ngày 26-7, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đăng thông báo tổ chức bán lô hàng thịt trâu đông lạnh là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trước đây.

Cụ thể, tài sản bán gồm 168.250 kg thịt trâu đông lạnh bị tịch thu theo Quyết định số 1683 và Quyết định 1686 của Tổng cục Hải quan ngày 1-6-2018. Tổng trị giá của hai lô hàng bị tịch thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) làm tròn số trên 12,815 tỉ đồng. Số tài sản này được thu giữ tại TP Hải Phòng.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, khách hàng trúng đấu giá tự chịu chi phí trong việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, sau khi mua được hàng hóa phải xuất khẩu toàn bộ lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ngay sau khi thông báo trên được phát đi, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn tại sao hàng hóa bị tịch thu nhưng lại mang ra đấu giá.

Trả lời điều này, Tổng cục Hải quan cho hay ngày 26-2, tại khu vực vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Tổ công tác thuộc Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện và kiểm tra hai tàu vỏ sắt do bốn đối tượng người Trung Quốc vận chuyển 168,25 tấn thịt trâu đông lạnh.

Kết quả xác minh xác định lô hàng này có nguồn gốc nhập kho ngoại quan sau đó tái xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Vạn Gia. Sau khi lô hàng đã hoàn thành thủ tục tái xuất, tàu Trung Quốc đang vận chuyển hàng hóa trên biển sang Trung Quốc không đúng tuyến đường thì bị cơ quan hải quan bắt giữ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 162/2013, tại điểm kiểm tra, thuyền trưởng, thuyền viên mang quốc tịch Trung Quốc không xuất trình được hóa đơn, chứng từ đi kèm theo hàng hóa thì bị xử phạt tiền, tịch thu hàng hóa vi phạm.

Sau khi đã họp, thống nhất với các cơ quan cơ quan tiến hành tố tụng, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định xử phạt với các đối tượng Trung Quốc, tịch thu toàn bộ hàng hóa sung công quỹ.  

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Luật Thú y thì lô hàng nêu trên nếu bán tiêu thụ trong nước thì phải có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật.

Tuy nhiên, theo trả lời của Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y trả lời Cục Điều tra chống buôn lậu thì lô hàng thịt trâu đông lạnh nêu trên bị tịch thu không khai báo kiểm dịch và không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của nước xuất khẩu, nên Chi cục Thú y vùng II không lấy mẫu để kiểm dịch. Việc này vi phạm khoản 3 Điều 18 Nghị định 90/2017. Hình thức và biện pháp xử lý là buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ thịt trâu đông lạnh nêu trên.

Theo Điều 33 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) tiến hành giám định chất lượng hàng hóa. Kết quả giám định xác định lô hàng đảm bảo các chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu kim loại nặng phù hợp với quy chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây hại cho sức khỏe con người. Do vậy, không thuộc trường hợp buộc tiêu hủy theo quy định tại Điều 33 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu trên.

Như vậy, lô hàng thịt trâu đông lạnh bị tịch thu sung công quỹ nhà nước nêu trên không được bán để tiêu thụ trong nước, không thuộc diện phải tiêu hủy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 15/2018 thì sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Do vậy, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã thông báo bán lô hàng thịt trâu đông lạnh bị tịch thu nêu trên cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là đúng quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm