Hải Phòng giải thích về việc bắt xe, người ngoại tỉnh quay đầu

Chiều 3-4, ông Phạm Hưng Hùng, Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng, cho biết việc các chốt cửa ngõ chặn không cho xe ngoại tỉnh vào thành phố, buộc quay đầu chỉ là lời… “đề nghị” vì chặn… dịch.

Xe con ngoại tỉnh… “xin mời” quay đầu!

Chiều 3-4, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM tại chốt kiểm soát dịch bệnh khu vực nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường 353 (quận Dương Kinh), các xe tải chở hàng được đi thẳng, không cần soát xét. Riêng các ô tô con cá nhân sau khi qua trạm soát vé, xe của người cư trú ở Hải Phòng, mang biển số đầu 15, 16 sau khi kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế… thì tiếp tục đi qua. Các xe biển số ngoại tỉnh, chủ yếu biển số Hà Nội được đề nghị quay đầu.

Một cán bộ phụ trách chốt kiểm dịch này cho biết đối với xe của người ngoại tỉnh, trừ trường hợp cần thiết, có giấy tờ xác định có công việc quan trọng thì lực lượng chức năng mới cho vào sau khi thực hiện quy trình y tế. Các trường hợp không chứng minh được lý do cần thiết, lực lượng chức năng đều đề nghị quay đầu. Có mặt tại đây ít phút, chúng tôi ghi nhận có hàng chục ô tô cá nhân sau khi qua trạm soát vé cao tốc lại phải quay đầu.

Tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 5 khu vực ga Dụ Nghĩa (huyện An Dương), các xe tải đã không còn bị ách lại, buộc phải quay đầu như hôm 2-4. Chỉ có ô tô con chở người bị soát xét, những xe của người Hải Phòng được qua chốt. Đối với xe biển ngoại tỉnh, chỉ những xe nào có giấy tờ chứng minh có việc cấp thiết mới được qua chốt. Những xe không đưa ra được giấy tờ chứng minh sự cần thiết đều được yêu cầu quay đầu, không được vào thành phố.

Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng Phạm Hưng Hùng cho biết hiện nay chỉ xét những trường hợp không cần thiết thì đề nghị quay lại. Theo ông Hùng, những trường hợp ô tô cá nhân ngoại tỉnh có lý do cấp thiết thì lực lượng chức năng vẫn cho vào chứ không phải cấm hoàn toàn. Cũng theo ông Hùng, sáng 2-4, UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo tất cả xe tải chở hàng vào thành phố đều được tự do lưu thông, không cần soát xét. “Thành phố đã điều chỉnh kịp thời, vì dân để tất cả xe tải đều được lưu thông” - ông Hùng nói.

Xe con cá nhân biển số Hà Nội (29) lên tới chốt cửa ngõ TP Hải Phòng được “mời” quay đầu. Ảnh: HOÀNG ĐỖ

“Đề nghị” người dân ở nhà sau 22 giờ

Trước đó, từ ngày 31-3, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu người dân không ra đường sau 22 giờ đêm.

Cụ thể, từ ngày 1-4, thành phố yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra khỏi nhà sau 22 giờ trong các trường hợp cấp cứu, mua thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác. UBND TP Hải Phòng giao công an và UBND các quận/huyện, xã/phường huy động lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiếp đó, ngày 2-4, UBND TP Hải Phòng tiếp tục có văn bản chỉ đạo lực lượng công an thành lập thêm các chốt cố định, tăng cường kiểm soát chặt dân trên các tuyến phố sau 22 giờ hằng ngày. Theo đó, thành phố chỉ đạo trong các ngày đầu, lực lượng chức năng nhắc nhở người dân chấp hành không ra khỏi nhà sau 22 giờ. “Từ ngày 5-4, tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính với mức tối đa theo quy định” - văn bản của UBND TP Hải Phòng nêu.

Theo Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng Phạm Hưng Hùng, đối với người dân hiện nay thành phố mới chỉ khuyến cáo, đề nghị người dân không ra đường. Ông Hùng cho biết đối với công nhân làm ca đêm vẫn được phép đi đường sau 22 giờ. Tuy nhiên, do đường phố vắng nên để phòng ngừa mất an ninh trật tự, thành phố phải tăng cường thêm các chốt cố định nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho người dân. “Các trường hợp cấp bách thì lực lượng chức năng vẫn giải quyết cho người dân đi lại” - ông Hùng nói.

Trả lời căn cứ nào để xử phạt khi người dân ra đường sau 22 giờ đêm, ông Hùng cho biết việc xử phạt vẫn chưa thực hiện, các chỉ đạo này nhằm hạn chế người dân ra đường. Theo ông Hùng, thành phố sẽ điều chỉnh liên tục để cho phù hợp với tình hình, làm sao đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả nhưng không hạn chế quyền của người dân.

Hạ Long: Dịch phát, tội phạm tăng, dân đừng đi đêm

Trước đó, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng thực hiện “khuyến cáo” người dân hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cấp thiết từ ngày 29-3. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp ra đường sau 22 giờ (trừ các đơn vị thực thi công vụ, đưa người đi cấp cứu...).

Những trường hợp ra đường sau 22 giờ mà không có lý do chính đáng sẽ bị lực lượng chức năng đưa về các trung tâm cách ly tập trung để kiểm tra y tế, theo dõi hành trình, không để lọt người mang theo mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Từ đêm 29-3 đến nay, đã có hàng chục người bị đưa về khu vực tập trung đến hết đêm.

Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết từ đêm 3-4, tại thành phố này không có người ra đường vào ban đêm. Ông Diện cho biết các biện pháp này nhằm tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt việc phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra ban đêm nhằm đảm bảo an ninh trật tự bởi khi đường phố vắng người, vấn đề an ninh trật tự cần được tăng cường.

Theo ông Diện, nhiều ngày qua TP Hạ Long đã có nhiều biện pháp hạn chế người ra đường, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người nên công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn đang hiệu quả. “Tại Hạ Long, kinh tế chủ yếu là khai thác mỏ và du lịch, khi các lĩnh vực này gặp khó khăn thì nguy cơ tội phạm gia tăng. Vì vậy, chúng tôi phải dùng các biện pháp hạn chế người dân ra đường, đồng thời tăng cường kiểm soát, đảm bảo được mục tiêu phòng, chống dịch cũng như duy trì tốt an ninh trật tự” - ông Diện giải thích. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm