'Hai loại quyết định này sẽ được điều chỉnh bởi luật nào?'

Trong hai ngày 6 và 7-7, Bộ Tư pháp phối hợp Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo góp ý dự thảo (lần 3) Luật Ban hành quyết định hành chính.

Quyết định hành chính là công cụ quan trọng giúp các cơ quan nhà nước, các bộ ngành triển khai các chính sách và quy định ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, hiện nay, không có luật nào quy định cách thức, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính. Luật này được kỳ vọng là sẽ cải thiện sự minh bạch và tính nhất quán trong việc ban hành và áp dụng các quyết định hành chính. Dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10-2015.

Về quy định liên quan đến đối tượng áp dụng, dự thảo luật không quy định áp dụng cho các quyết định hành chính của Chính phủ và Thủ tướng. Lý do loại trừ được đưa ra là thực tế số lượng quyết định hành chính do Chính phủ ban hành rất ít, còn quyết định hành chính của Thủ tướng không có nhiều quyết định tác động ra bên ngoài và hướng đến một cá nhân, tổ chức cụ thể (sáu tháng đầu năm, Thủ tướng chỉ mới ban hành 26 quyết định hành chính).

Nhiều chuyên gia không đồng tình với quy định nói trên của dự thảo, vì “luật này là luật gốc, luật chung thì phải bao phủ hết, chỉ được loại trừ những quyết định hành chính mang tính chất nội bộ”.

Đại biểu Quốc hội Đặng Đình Luyến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PL

Đại biểu Quốc hội Đặng Đình Luyến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã nêu quan điểm cá nhân rằng nên đưa loại quyết định hành chính của hai chủ thể này vào điều chỉnh thì sẽ phù hợp hơn.

“Văn bản quy phạm pháp luật do Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; văn bản pháp luật về tố tụng được quy định trong các bộ luật tố tụng và luật liên quan; còn lại văn bản hành chính chủ yếu là các quyết định hành chính. Vì vậy, nếu loại trừ như dự thảo lần ba này thì hai loại quyết định này sẽ được điều chỉnh bởi luật nào?”- ông Luyến đặt vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm