Hai giả thuyết về nguồn lây COVID-19 của chuyên gia người Nhật

Chiều 15-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, cùng một số bộ, 26 địa phương tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề cập đến việc Hà Nội có ca lây nhiễm là người Nhật, tử vong tại khách sạn trên địa bàn (BN 2229). Bệnh nhân này từng cách ly từ ngày 17-1 đến 31-1 ở TP.HCM trong khách sạn.

“Qua trích xuất camera, bệnh nhân này tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách ly, hầu như không có sự tiếp xúc bên ngoài. 34 người cách ly cùng khách sạn với bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2” - ông Long nói.

Hai giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân này được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra. Trong đó, Bộ Y tế nghiêng về giả thiết đầu tiên là bệnh nhân mới mắc COVID-19 thời gian gần đây trong cộng đồng.

“Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virus trong mẫu thử của bệnh nhân này ở mức khá cao. Chúng tôi nghiêng về giả thiết người này mới lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội trong 5-7 ngày” – ông Long nói.

Giả thiết thứ hai về nguồn lây của bệnh nhân này là bị lây nhiễm ngay trong khu cách ly tại TP.HCM. Ông Long cho rằng giả thiết này có ít khả năng xảy ra, tuy nhiên không thể loại trừ.

Trong sáng nay, Bộ Y tế đã trao đổi với UBND Hà Nội và đề nghị coi đây là một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Hà Nội và lực lượng y tế đã thực hiện khoanh vùng 1 số điểm và bệnh nhân tới làm việc.

Từ vụ việc này, người đứng đầu Bộ Y tế đề nghị Hà Nội và các tỉnh, thành tiếp tục đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19, đặc biệt là các trường hợp nhập cảnh từ 15-1 tới nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Ngoài vụ việc trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá trong số các tỉnh, thành phố, tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương tương đối phức tạp, có 10/12 huyện có ca nhiễm nhưng các huyện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, riêng huyện Cẩm Giàng còn phức tạp, có khả năng kéo dài do có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân, giao lưu đi lại giữa các địa phương lớn. Ngoài ra, tại huyện Cẩm Giàng có công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc và hiện hơn 400 công nhân của công ty đã cách ly tập trung.

“Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch” – ông Long nói và cho rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, khi chỉ còn 1 ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.

Từ đó, ông đề nghị khi phát hiện trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.

Ông cũng đề nghị các tỉnh, thành phố dừng tất cả các lễ hội và các hoạt động mang tính tôn giáo, hoạt động đông người khó kiểm soát.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.