Hai anh em phụ hồ muốn về quê nhưng lên nhầm ‘chuyến xe vi phạm’

Chiều 5-8, liên quan đến 20 hành khách trên hai chuyến xe chở người dân về quê Nam Định và Hà Tĩnh không đúng quy định, công an phường Tân Thới Hiệp (quận 12) đã lập danh sách, liên lạc với công an từng phường ở các quận lên đón người dân về lại nơi cư trú.

xe-khach-vi-pham

Chuyến xe khách vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý. Ảnh: LÊ THOA

Những người dân này cũng được công an hướng dẫn làm bản cam kết, khuyên ở lại tiêm vaccine hoặc muốn về quê thì đăng ký với địa phương theo đúng quy định.

Ông TSV, 40 tuổi, quê Hà Tĩnh, buồn bã kể ông cùng em trai vừa vào TP.HCM làm phụ hồ được ba tháng nhưng thất nghiệp đã gần hai tháng nay.

“Cuộc sống ngoài quê khó khăn lắm, giờ không biết làm việc gì cả. Tôi vào thành phố cũng chỉ biết phụ hồ mà không ngờ dịch lại bùng phát. Không có tiền, tôi nghe người ta nói có chuyến xe 0 đồng về quê nên mừng quá. Tôi muốn về chứ ở đây không biết làm sao" - ông V nói.

hai-anh-em-phu-ho

Ông V. cho biết giờ tiền ăn sắp hết, tiền trọ cũng không đủ.... Ảnh: LÊ THOA

Ông V. cho biết anh đã đăng kí về quê ở hội đồng hương tỉnh Hà Tĩnh, đăng ký cả ở phường nhưng chưa có hồi âm.

Vậy nên khi nghe có chuyến xe về quê, hai anh em ông xin số điện thoại liên lạc rồi mỗi người bỏ 350.000 đồng test nhanh COVID-19, rồi đi bộ ra quốc lộ đón xe, đi chưa được bao xa thì phát hiện xe vi phạm.

“Biết chuyến xe vi phạm thế này thì chúng tôi cứ ở đó, đến đâu thì đến. Tôi chỉ còn 700.000 đồng, đã tính nếu về quê phải cách ly thì gia đình sẽ tiếp tế. Vợ con đang mong mình về lắm” – ông V. lo lắng nói và chỉ mong lực lượng chức năng không phạt mình.

Cũng đồng hương Hà Tĩnh, anh NHĐ, 31 tuổi cho biết nghe thông tin về chuyến xe này trên các nhóm đồng hương nên quyết định lên xe về. Anh Đ. cho biết mình không biết giá vé cụ thể nhưng đoán khoảng vài trăm ngàn, vừa đủ tiền để về. “Bây giờ không có tiền thì làm sao sống ở đây được, có vay mượn cũng phải về” - anh Đ. nói.

Cùng cảnh ngộ là vợ chồng chị NTN, quê Nam Định. Họ đưa theo khoảng 10 người vừa là con vừa là cháu, nhân viên để cùng về quê.

xe-khach-vi-pham

Công an phường hướng dẫn người dân đứng giãn cách chờ công an địa phương lên đón về. Ảnh: LÊ THOA

Theo chị N., có người quen giới thiệu chuyến xe này cho chị, người này cũng vừa về quê được mấy ngày trước đó. Liên hệ nhà xe được bảo test COVID là có thể về nên chị N. đưa các con, cháu về quê để chuẩn bị vào năm học mới.

“Từ hồi TP áp dụng Chỉ thị 16, quán ăn đóng cửa, giờ tiền mặt bằng mỗi tháng 20 triệu, không thể nào lo được nên vợ chồng tôi muốn đưa các cháu về quê, giãn dịch thì lại vào để làm ăn” – chị N. nói.

Tại buổi làm việc, đại diện Công an quận 12 đã khuyên người dân không nên tự ý về quê mà nên đăng ký với chính quyền địa phương nơi cư trú để chính quyền sắp xếp. Từ đó, tránh việc lên các chuyến xe không đúng quy định, dẫn đến nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước đó, trong công điện về phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần “ai ở đâu ở yên đấy”, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, TP nơi cư trú từ sau ngày 31-7 cho tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm