Hà Nội xác định 12 nguồn gây ô nhiễm không khí

Chiều 1-10, tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã thông tin về thực trạng ô nhiễm không khí của TP những ngày qua.

Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội

Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho hay những ngày qua chất lượng không khí của Hà Nội xuống thấp, nhiều ngày ở mức kém do ô nhiễm bụi mịn (PM 2.5). “Ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa tháng 3 và tháng 9. Từ ngày 13-9 tới nay, chất lượng không khí trong ngày xuống thấp gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài” - ông Định nói.

Theo ông Định, các thông số về chất lượng không khí của Hà Nội do cơ quan chuyên môn đo được từ các trạm đo có kiểm định, trong đó 10 trạm quan trắc của TP do Pháp tài trợ, một trạm quan trắc từ Đại sứ quán Mỹ. Ngoài nguyên nhân thời tiết khiến khói, bụi ứ đọng gần mặt đất, ông Định cho biết hiện cơ quan chức năng của TP đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm cho không khí tại TP trong đó có: Khí thải của phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, bếp than tổ ong; bụi từ hoạt động xây dựng; bụi từ thu gom rác thải, khói bụi sản xuất…

Ông Định cho hay Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khi như: Xây dựng hệ thống quan trắc, kiểm soát ô nhiễm; thay đổi thu gom rác bằng xe quét rác nhập châu Âu; xử lý bùn thải, xử lý rác thải rắn; nhập công nghệ phá dỡ, nghiền rác thải bê tông, che chắn công trình xây dựng; xây dựng quy hoạch các trạm xăng có trạm rửa xe tự động; giám sát xe chở xây dựng; trồng cây xanh; triển khai cánh đồng không đốt rơm rạ…

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội)

Thông tin thêm, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội), nói: “Nguyên nhân ô nhiễm không khí có hai nguyên nhân chính do thời tiết thủy văn có diễn biến cực đoan, một là chuyển mùa, hai là chênh lệch nhiệt giữa buổi sáng và buổi trưa gây ra hiện tượng nghịch nhiệt, sáng sớm có hiện tượng sương dẫn đến đối lưu không khí và thoát khí thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí”.

Theo ông Thái, do diễn biến thời tiết cực đoan đã khiến các nguồn phát thải ra không khi không thoát được, gây ra chất lượng không khí xấu những ngày qua. “Chỉ tính riêng lượng xả thải từ bếp than tổ ong thì theo thống kê của Sở TN&MT TP Hà Nội toàn TP hiện còn 35.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày sử dụng 528 tấn than, gây phát thải 1870 tấn CO2” - ông Thái nhấn mạnh.

Ông Thái cho hay dự kiến đến ngày 3-10, khi Hà Nội có mưa, hiện tượng ô nhiễm không khí sẽ chấm dứt.

Tại cuộc giao ban, các báo cũng đặt câu hỏi về việc ba năm qua (từ năm 2017 đến nay), Hà Nội nhập xe quét rác từ Đức về để quét đường và không sử dụng xe phun nước để rửa đường khiến tình trạng ô nhiễm bụi càng thêm trầm trọng đặc biệt vào những đợt Hà Nội có hiện tượng khô hạn kéo dài.

Tuy nhiên, câu hỏi này đã không được người phát ngôn của UBND TP Hà Nội và đại diện các cơ quan chuyên môn của TP trả lời. Trước đó vào tháng 2-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin Hà Nội sẽ cho nhập nhiều xe quét rác tự động từ Đức về quét đường giúp tiết kiệm nhiều chi phí vệ sinh môi trường đường phố. Trong đó sẽ tiết giảm khoảng 70 tỉ đồng tiền chi phí phun nước rửa đường mỗi năm.

Liên quan đến xử lý hiện trường vụ cháy Rạng Đông, đại diện Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết đến nay các cơ quan chức năng đã thu gom hơn 800 tấn tro bụi cháy và trên 1000 tấn phế thải xây dựng, sắt thép.

Hiện Bộ Tư lệnh hóa học đã triển khai tẩy độc khu vực 1 có diện tích 2.500 m2, sẽ hoàn thành tẩy độc khu vực còn lại trước ngày 8-10. Số chất thải thu gom được xử lý nghiêm ngặt theo quy trình xử lý chất thải nguy hại và được chôn lấp theo quy định tại bãi rác Nam Sơn.

Sau khi xử lý khu vực nhà kho bị cháy của Công ty Rạng Đông xong (dự kiến ngày 8-10), Sở TN&MT TP Hà Nội sẽ trưng cầu cơ quan giám định độc lập vào đánh giá kết quả xử lý để báo cáo TP và công bố cho người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm