Hà Nội: Phố đi bộ mất dần bản sắc

Từ năm 2004, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chọn tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân dài gần 1 km để thí điểm tổ chức phố đi bộ vào những tối cuối tuần. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội, chợ đêm là một phần trong phố đi bộ, cùng với các dịch vụ và loại hình văn hóa, ẩm thực khác tạo nên bản sắc của khu vực phố cổ.

Mua bán chụp giật

Tuy nhiên, dạo quanh một vòng tuyến phố trên, du khách tìm mỏi mắt cũng chưa thấy các loại hình văn hóa mang đặc trưng phố cổ đâu. “Điểm nhấn” rõ nét nhất chỉ là hàng trăm sạp hàng hóa trải dài suốt dọc tuyến phố. Phố đi bộ đã trở thành một chợ đêm đúng nghĩa.

Do không được quy hoạch thành từng khu vực chuyên biệt nên các hàng quán trên tuyến phố cứ mạnh ai nấy bán. Hàng quần áo giá rẻ, thủ công mỹ nghệ chen lẫn giữa những hàng bún, phở… Dù bị cấm nhưng vẫn có những xe máy ngang nhiên đi vào, bấm còi ầm ĩ. Các bãi giữ xe cũng tranh thủ mọc lên ở đầu tuyến phố, người giữ xe ra tận giữa đường níu kéo khách. Cũng vì tranh giành khách mà họ không ít lần xô xát với nhau.

Hà Nội: Phố đi bộ mất dần bản sắc ảnh 1

Một cảnh tranh giành khách dẫn tới xô xát khiến du khách ngán ngẩm khi tham quan phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: VT

Chị Nguyễn Phương Xuân, du khách TP.HCM, nhận xét: “Tôi hình dung phố đi bộ là nơi để du khách khám phá những nét đặc trưng của khu phố cổ. Nhưng đến nơi chỉ thấy hàng quán bày bán lộn xộn, nhiều món hàng rẻ tiền, chất lượng kém, vệ sinh nhếch nhác… Cả đoàn chỉ dám đi một lần cho biết”.

Còn với anh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), kỷ niệm về phố đi bộ là gương mặt lạnh tanh của nhân viên giữ xe và một số chủ hàng. “Khi mời chào khách họ rất niềm nở nhưng khi lấy xe ra hoặc mua hàng xong mặt họ liền lạnh tanh, khách hỏi thêm vài câu là coi chừng bị chửi bới”.

Sẽ quy hoạch cụ thể hơn

Vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất thêm sáu tuyến đi bộ mới gồm Hàng Buồm - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Mã Mây - Đào Duy Từ - Tạ Hiện. Sở GTVT TP Hà Nội cũng đề xuất hình thành các tuyến phố đi bộ tại Hàng Đào - Đồng Xuân và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, từ thực tế tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân, một số chuyên gia cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn để các phố đi bộ đạt được mục đích đề ra (tuyên truyền, quảng bá văn hóa, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội).

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nếu không khéo tổ chức, phố đi bộ sẽ bị lẫn vào sự xô bồ như những con phố khác. Để tạo bản sắc cho phố đi bộ, nhất định phải xác lập được mục đích, tiêu chí cụ thể; khâu tổ chức, quản lý phải rõ ràng. Trong đó cần chú trọng cả những việc rất nhỏ như thùng rác, nhà vệ sinh…

“Phố đi bộ hay chợ đêm ở nhiều nước cũng có những sự nhộn nhạo nhất định nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng biệt. Chợ ở khu phố đi bộ phải bày bán những hàng hóa giúp quảng bá cho văn hóa các vùng, miền chứ không phải là những mặt hàng chạy theo giá trị vật chất thông thường” - ông Nghiêm nói.

Đồng quan điểm, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội, thừa nhận: Một số nước làm phố đi bộ rất hay, có điểm nhấn văn hóa, giới thiệu được văn hóa ẩm thực riêng, tạo thành không gian văn hóa của tuyến phố đó. “Sắp tới khi mở rộng các tuyến phố đi bộ, TP sẽ có quy hoạch cụ thể hơn (chỗ này bán gì, đâu là nơi ăn, đâu là nơi mua sắm…). Cạnh đó, người bán hàng cũng phải biết giới thiệu đặc trưng của từng sản phẩm để góp phần quảng bá văn hóa” - ông Tiến khẳng định.

Tại Hội An, phố cổ chỉ dành cho người đi bộ, không có bóng dáng các loại xe hai bánh. TP Hội An còn tăng thêm những điểm hòa tấu nhạc cụ dân tộc, những điểm biểu diễn ca nhạc cổ truyền và dạy hát dân ca hoạt động vào ban đêm.

Phố đi bộ Đà Lạt (quanh khu Hòa Bình và con đường trước chợ Đà Lạt) được coi là khu phố đi bộ đầu tiên ở Việt Nam. Hiện phố đi bộ được trang hoàng đẹp mắt mang dấu ấn riêng. Ở những khoảnh đất nhỏ, du khách có thể thấy một nhóm bạn trẻ nhảy múa. Trên con đường Lê Đại Hành thỉnh thoảng có cuộc đua ô tô mô hình trong đêm. Toàn bộ gánh hàng rong đều được chuyển đến khu vực chợ đêm.

Trong khi đó TP.HCM vẫn chưa có phố đi bộ đúng nghĩa. Dự kiến khu phố đi bộ sẽ hình thành từ khu vực Công viên 23-9 đến Quảng trường Quách Thị Trang, kết nối với Quảng trường Mê Linh. Các tuyến phố đi bộ sẽ kết hợp với các hoạt động thương mại nhỏ mang tính truyền thống.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm