Hà Nội: Nhiều hàng quán hoạt động cầm chừng

Anh N.T.L, chủ một quán ăn tại đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) cho biết từ tối 22-4, sau khi nhận được thông tin Hà Nội nới lỏng lệnh cách ly xã hội, gia đình anh đã chuẩn bị dọn dẹp, vệ sinh lại hàng quán ngay trong đêm để mở trở lại.

Một quán cà phê trên phố Phùng Hưng mở cửa trở lại.

“Do nhân viên nghỉ đợt dịch chưa trở lại TP nên tôi phải huy động toàn bộ người nhà ra quán làm từ sớm” - anh L. cho hay.

Theo anh L., lượng khách ngày đầu mở quán trở lại vắng hơn so với trước thời điểm dịch, đa phần chỉ có khách quen đến ăn. Vào sáng cùng ngày, phường cũng tới nhắn nhở quán phải bố trí chỗ ngồi giãn cách cho khách, chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn, quán ăn phải đảm bảo vệ sinh, người bán hàng phải đeo khẩu trang…

“Dù hoạt động cầm chừng vẫn còn tốt hơn đóng cửa suốt cả tháng qua vì tiền thuê cửa hàng tôi vẫn phải chi trả” - anh L. nói.

Ghi nhận củaPLO tại các khu vực buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội như phố Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) cũng chỉ có một số cửa hàng mở cửa.

Chị T.M.T, chủ cửa hàng quần áo tại phố Hàng Bông, cho biết chị mở cửa lại từ sáng nhưng đến tận chiều mới có một khách vào mua hàng.

“Nếu dịch kéo dài thì chúng tôi phải đóng cửa hàng mất. Mỗi ngày mở mắt phải trả hơn 2 triệu tiền thuê mặt bằng rồi” - chị T. nói.

Một số cửa hàng trên phố Hàng Đào mở cửa trở lại, hoạt động cầm chừng, vắng khách.

Ngày đầu tiên nới lỏng lệnh cách ly, người dân đổ ra đường đông hơn, tuy nhiên không xuất hiện hiện tượng ùn tắc so với thời điểm trước dịch. Khu vực công viên, vườn hoa cũng có nhiều người đi dạo, tập thể dục, nhiều quán cà phê đã mở cửa.

Trên đường phố, xe buýt đã hoạt động trở lại. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết sáng cùng ngày, hệ thống xe buýt cũng đã chạy lại. Theo quy định, các xe được hoạt động mức 20%-30% công suất phục vụ, mỗi xe không chở quá 20 người và không vượt quá 50% số ghế.

Xe buýt đã xuất hiện trở lại trên đường phố thủ đô.

Transerco cũng yêu cầu đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm sắp xếp chỗ ngồi cho hành khách theo phương án và kiểm soát lượng người lên xuống xe đúng, đủ.

Các đơn vị thành viên của Transerco phải tăng cường lực lượng kiểm soát chất lượng dịch vụ và lực lượng điều hành trực tiếp tại các đầu bến, trên tuyến để kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện yêu cầu giãn cách và số lượng hành khách trên xe.

Ngoài ra, các yêu cầu bắt buộc khác về phòng dịch vẫn sẽ được Transerco thực hiện nghiêm túc như: Trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn, công tác khử khuẩn xe buýt... để đảm bảo an toàn cho chính lực lượng lái xe, nhân viên phục vụ cũng như cho cả hành khách đi xe buýt.

Nhiều người dân tới Công viên Lê Nin tập thể thao.

Theo thông báo của Sở GTVT Hà Nội, các bến xe liên tỉnh trên địa bàn TP Hà Nội sẽ chính thức hoạt động từ ngày 24-4. Việc vận hành các bến xe liên tỉnh phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ GTVT.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 22-4, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã công bố lệnh nới lỏng cách ly xã hội trên địa bàn (ngoại trừ hai huyện Mê Linh và Thường Tín).

Theo đó, Hà Nội yêu cầu các cửa hàng ăn trên địa bàn khi mở cửa trở lại phải sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng mi-ca hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm.

Cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn. Người dân khi tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cần giữ khoảng cách khi dừng đèn đỏ bởi có nút giao thông vào thời điểm đó có thể lên tới hàng trăm ngàn người. Người dân ra đường phải đeo khẩu trang.

Đặc biệt các dịch vụ như quán trà đá vỉa hè, massage, karaoke, trò chơi điện tử… vẫn tiếp tục được yêu cầu đóng cửa đến ngày 30-4, chờ có thông báo mới. Mọi hoạt động lễ hội, tập trung đông người, biểu diễn nghệ thuật… tiếp tục tạm dừng hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm