Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư chậm vì thủ tục

Hà Nội là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới mức bình quân cả nước (49,14%). Thông tin tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo chủ chốt của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn diễn ra vào sáng nay (26-9) cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội “cơ bản là chậm, nhất là ở cấp TP”.

Cụ thể, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư công của toàn Hà Nội năm 2019 là 52.525 tỉ đồng, trong đó chi cấp TP 31.490 tỉ đồng, chi cấp huyện là 21.035 tỉ đồng. Tuy nhiên sau chín tháng triển khai, Hà Nội mới giải ngân được 29,9% kế hoạch vốn giao, ước tính giải ngân hết chín tháng khoảng 34%. Mức giải ngân này đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,64%) và thấp hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước (49,14%).

Theo ông Quyền, có nhiều nguyên nhân khiến vốn đầu tư công của Hà Nội giải ngân chậm như các dự án khởi công cuối năm 2018 đã tạm ứng hợp đồng, sang đầu năm 2019, chủ đầu tư và nhà thầu phải thực hiện hoàn trả khối lượng đã ứng.

Nhiều dự án mới triển khai mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt, dẫn đến mở thầu và khởi công chậm tiến độ; nhiều dự án chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng (21 dự án) và thủ tục đầu tư (18 dự án); nhiều chủ đầu tư chưa tích cực hoàn thiện hồ sơ gửi kho bạc giải ngân triệt để khối lượng đã thực hiện của một số dự án chuyển tiếp và tạm ứng vốn các dự án khởi công mới…

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: “Không thể đổ lỗi cho vướng mắc trong giải phóng mặt bằng mà trách nhiệm chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của TP chậm chính là do các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chưa làm hết trách nhiệm. Do vậy, cần phải kiểm điểm nghiêm túc”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Kết luận nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị của Hà Nội phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, phấn đấu trong ba tháng cuối năm 2019 phải hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 của TP ở mức cao nhất.

“Cá nhân các lãnh đạo UBND TP được phân công chỉ đạo, điều hành theo từng lĩnh vực cụ thể cần tập trung theo dõi những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực được phân công của từng dự án để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ và thường xuyên đánh giá tiến độ giải quyết. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, sách nhiễu, làm chậm tiến độ” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

 

Giải ngân chậm tạo ra “nút thắt cổ chai” với nền kinh tế

Chủ trì "Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019" vào sáng nay (26-9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công diễn ra 10 năm qua, đặc biệt là năm nay đã tạo thành “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ, gây lãng phí lớn và tăng chi phí, tăng nợ nần.

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. “Các đồng chí nói là mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế… nhưng có nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt, 70%-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa. Nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10%-15%. Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan” - Thủ tướng nói.

“Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần, thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được” - Thủ tướng nói.

Theo báo cáo tại hội nghị hiện có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm