Hà Nội đã chi hơn 7 tỉ thuê Nhật Cường viết phần mềm

Tại cuộc giao ban công tác của UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội, cho hay Hà Nội đang thuê tới 63 đơn vị viết các phần mềm cho TP, các sở, ban, ngành và Nhật Cường software (Công ty giải pháp phần mềm Nhật Cường) chỉ là 1/63 đơn vị được TP thuê làm công việc này.

Nhật Cường Software có một bộ phận đang hoạt động tại trụ sở của Sở TTTT Hà Nội.

“Tổng số kinh phí thành phố đã chi trả kinh phí thuê phần mềm cho Công ty Nhật Cường trong 3 năm vừa qua ở cấp thuộc thẩm quyền của UBND TP theo đúng trình tự của pháp luật quy định với số tiền là 7,265 tỉ đồng, chiếm 0,49% trên tổng số chi ngân sách cho công nghệ thông tin của Hà Nội” – ông Kỳ nói.

Ông Kỳ cho hay ngoài viết phần mềm dịch vụ công trực tuyến và một số phần mềm khác, phía Nhật Cường software còn thực hiện bảy gói thầu mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin cho TP Hà Nội. Tổng kinh phí mua sắm của bảy gói thầu này là 12,34 tỉ đồng chiếm 0,84% kinh phí về công nghệ thông tin của Hà Nội (và chiếm 1,23% kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị công nghệ thông tin).

Cũng theo ông Kỳ, việc tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 của TP (đã được HĐND TP Hà Nội thông qua) được chuyển từ hình thức đầu tư trực tiếp sang mô hình thuê dịch vụ, bao gồm:

Thuê máy chủ và chỗ đặt của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Thuê máy chủ dự phòng, dự kiến của của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tiếp tục sử dụng máy chủ đã được đầu tư ở giai đoạn 2011-2015 để làm Trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng tại Sở TTTT Hà Nội.

Về hệ thống đường truyền, hiện Hà Nội đang cùng lúc thuê đường truyền của nhiều tập đoàn như Viettel, VNPT, FPT, Mobifone, Tập đoàn Công nghệ CMC. Về dịch vụ Cloud (Dịch vụ cho thuê máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây) hiện Hà Nội cũng đang thuê của Viettel và VNPT.

Ông Kỳ cũng cho biết thêm, về bảo mật và bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin Hà Nội cũng có thoả thuận hợp tác với Ban Cơ yếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, những năm qua Hà Nội cũng mời các giảng viên của các Trường Đại học (Bách Khoa, FPT, Tổng hợp) tham gia giảng dạy, đào tạo toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức vận hành Hệ thống CNTT của TP.

“Một trong các cơ chế cơ bản việc thực hiện Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội theo cơ chế thuê, xây dựng một hệ thống liên thông, đồng bộ từ TP đến sở, ngành, quận huyện, phường xã, không đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị” – ông Kỳ nhấn mạnh.

Cụ thể, theo ông, Hà Nội thuê dịch vụ phần mềm của các công ty trên cơ sở các kỹ sư viết phầm mềm theo yêu cầu của TP, sau đó phải chịu trách nhiệm tập huấn cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thành thạo, đồng thời chịu trách nhiệm vận hành Hệ thống, việc vận hành này không làm tăng biên chế hành chính của TP. 

“Hiện nay, TP đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số dịch vụ công cho thành phố; Tổ chức duy trì để đảm bảo sự hoạt động bình thường của các hệ thống chương trình phần mềm mà do Nhật Cường Software đang cung ứng dịch vụ và chạy thử nghiệm” – ông Kỳ nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa giao Thanh tra TP Hà Nội chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C. Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày và có kết quả báo cáo về UBND TP Hà Nội.

Được biết, chế phẩm Redoxy3C được Hà Nội sử dụng để xử lý nước ô nhiễm tại hàng trăm ao hồ Hà Nội. Chế phẩm này là sản phẩm của một Tập đoàn ở Đức, được phân phối độc quyền tại Việt Nam thông qua một công ty tại Hà Nội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm