Hà Nội chỉ đạo chuẩn bị hàng hóa phòng khi dịch diễn biến xấu

Tối ngày 23-7, Sở Công thương Hà Nội đã phát ra thông cáo báo chí về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19. Sở này cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu lên 30%-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường.

Lượng hàng hóa dự trữ gồm 17 mặt hàng thiết yếu, có tổng trị giá khoảng 194.000 tỷ đồng. Cùng với đó các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng, và bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương của TP chủ động rà soát, cập nhật phương án trong việc đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng trong mọi tình huống dịch bệnh COVID- 19.

Người dân đổ xô đi mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart tại Khu đô thị Time City vào chiều ngày 18-7

Trong đó, Sở Công thương phải nắm chắc, dự báo nhu cầu tiêu dùng, khả năng cung ứng hàng hóa để tham mưu TP chỉ đạo các đơn vị, địa phương đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.

Sở này phải tăng cường kết nối cung cầu về hàng hóa thiết yếu với các tình thành khác để dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch; chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực để vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ. Ngoài ra đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại; phối hợp với các địa phương tổ chức quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh...

Sở Công Thương cũng được yêu cầu kết nối với các tỉnh, doanh nghiệp để lập danh sách nhu cầu vận chuyển, điểm đi - đến của các phương tiện lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết để làm cơ sở cấp phép vận chuyển theo “luồng xanh”; tăng cường kiểm soát thị trường, chống hàng giả, kém chất lượng và hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thổi giá. 

Sở NNPTNT có tránh nhiệm rà soát, cung cấp đầu mối sản xuất nông sản trên địa bàn để cung ứng cho doanh nghiệp, sẵ sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Rà soát lại các vùng sản xuất để xây dựng phương án chuyển đổi, mở rộng sang sản xuất rau, củ, thủy sản,… có thời gian thu hoạch ngắn, nhằm chủ động nguồn hàng thiết yếu cho người dân ở mức cao nhất trong các tình huống dịch.

Sở cần phối hợp với 21 địa phương là thành viên trong Ban điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi thực phẩm an toàn cho Hà Nội trong việc tổ chức sản xuất, hỗ trợ khai thác, lưu thông hàng nông sản thực phẩm an toàn về Hà Nội...

Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với các quận, huyện, thị xã đôn đốc các doanh nghiệp y dược tăng cường số lượng hang hóa, vật tư y tế để phòng chống dịch. Cơ quan này cần xây dựng phương án nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất để kịp thời khoanh vùng, dập dịch đối với các điểm bán hàng trên địa bàn có liên quan đến trường hợp F0.

Sở cần thực hiện xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất đối với các lái xe vận chuyển hàng hóa cho các hệ thống phân phối theo chỉ đạo của TP để kịp thời vận chuyển cung ứng cho thị trường Hà Nội...

Sở GTVT và Công an TP xây dựng phương án tổ chức “luồng xanh” trong nội thành; Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của Hà Nội và các địa phương khác được cấp “luồng xanh” lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát; giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch đối với các phương tiện khi lưu thông trên địa bàn TP...

Tình huống nào cũng đảm bảo nhu cầu của người dân

Hiện nay, Hà Nội có 459 chợ, 28 TTTM, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. TP cũng rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. TP sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các DN phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Sở Công thương cũng khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, không để thiếu hàng kể cả trong tình huống mua sắm tăng cao. Theo đó, Sở Công thương khuyến cáo người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm