‘Hà Nội bỏ HĐND phường là không vi hiến’

Ngày 14-11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Mặc dù đồng tình với chủ trương cải cách bộ máy, tìm một mô hình chính quyền đô thị phù hợp với xu thế phát triển nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng việc bỏ HĐND phường là vi hiến, bỏ đi một cấp đại diện cho nhân dân ở cơ sở…

Thảo luận tại hội trường, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng lý do bỏ HĐND cấp phường là chưa vững chắc. Hiến pháp quy định phường là một đơn vị hành chính, chính quyền địa phương gồm UBND và HĐND. “Nếu ở phường không có HĐND thì chỉ có nửa chính quyền thôi. Mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền được nữa” - ĐB Vân nói.

ĐB Vân phân tích: Hiến pháp quy định UBND do HĐND cùng cấp bầu, giám sát và cơ chế này thể hiện quyền lực của nhân dân địa phương, thông qua HĐND để kiểm soát cơ quan nhà nước của mình. Về mặt lý luận, ĐB Vân cũng cho rằng nếu bỏ HĐND để tổ chức UBND do cấp quận, huyện lập ra thì “mất ý nghĩa một chế độ tập thể làm việc theo nguyên tắc đa số” theo nguyên tắc lãnh đạo tập trung của Đảng…

ĐB Vân cho rằng HĐND phường ở các đô thị không phát huy hiệu quả thì phải đánh giá vì sao. Hay vì chúng ta trao quyền nhưng mà không bảo đảm các điều kiện cho họ thực hiện?

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thì tỏ ra băn khoăn với việc cái mà chúng ta gọi là UBND phường vẫn còn tồn tại trong đề án và trong dự thảo nghị quyết. “Bây giờ chúng ta đổi tên UBND thì nó phức tạp, nào là dấu, nào là chi phí nhưng nếu sử dụng từ UBND thì lại hoạt động theo cơ chế tập thể, lại cũng không phù hợp” - ông nói.

Trước các ý kiến của các ĐB, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định mục tiêu của nghị quyết là xây dựng hệ thống chính quyền “gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn, đáp ứng được các yêu cầu của người dân tốt hơn”. Về việc nghị quyết có vi hiến không, ông nói: “Khi xây dựng đề án này, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà luật học, nhà quản lý về vấn đề này. Các ý kiến đóng góp đều cho thấy đây là đề án thí điểm và không vi hiến. Tôi cũng lưu ý, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã nêu rõ nghị quyết đảm bảo tính hợp hiến”.

Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định: “Cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, qua nhiều hội thảo. Tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội là mô hình hai cấp chính quyền, là cấp thành phố và cấp quận”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm