Gói tài khóa, tiền tệ 300.000 tỉ: Chi đúng để phục hồi kinh tế

Trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV hôm qua (4-1), QH đã dành cả buổi chiều để thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ trình.

Các giải pháp tài khóa, tiền tệ được đề xuất có quy mô lên tới trên 300.000 tỉ đồng, trong đó riêng gói tài khóa là 291.000 tỉ đồng.

Khơi thông nguồn lực

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết nhấn mạnh rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện nhằm mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái qua) cùng các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Dũng cho biết chương trình bao gồm năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với quy mô thực hiện từng gói. Các giải pháp gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và cuối cùng là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Từ các giải pháp trên, Chính phủ thiết kế gói hỗ trợ tài khóa với quy mô 291.000 tỉ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240.000 tỉ đồng.

Về giải pháp tiền tệ, Chính phủ tập trung điều hành đồng bộ, linh hoạt để hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong hai năm; cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Chính phủ cũng sử dụng khoảng 46.000 tỉ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch…

Về đánh giá tác động gói hỗ trợ, ông Dũng cho hay khi thực hiện bội chi, ngân sách nhà nước bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP/năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49%-50% GDP; nợ chính phủ 45%-46% GDP, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25% cũng như tạo ra áp lực lạm phát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra nói chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1%-1,2% GDP trong hai năm thực hiện chương trình để triển khai gói chính sách.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế; tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỉ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn. Nghiên cứu tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Không quá lo lạm phát

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu QH TP.HCM cho rằng khi thực hiện chính sách này để kinh tế phục hồi, tăng trưởng thì cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng nhưng trong tầm kiểm soát.

“Mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Chúng ta tung tiền ra nhiều nhưng phải tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng” - Chủ tịch nước nói và cho rằng gói hỗ trợ tài khóa so với các nước còn khá nhỏ. Ông cũng nói không cần quá lo đến lạm phát.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn các số liệu về thu ngân sách và cho rằng: “Đây là một kỳ tích trong điều hành kinh tế - xã hội khi COVID-19 hoành hành năm 2021”. Ông Phớc cũng dẫn ra sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và cho rằng: “Muốn thúc tăng trưởng phải tạo ra cầu cho nền kinh tế”. Chính phủ trình gói tài khóa 291.000 tỉ đồng thì trong đó có 240.000 tỉ đồng là bội chi. Khi thực hiện chính sách như vậy thì có cơ sở để năm 2022 tiếp tục giảm thuế dự kiến gấp ba lần năm 2021 cho doanh nghiệp.

“Thuế VAT giảm 2%, chi hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho công nhân tới 6.600 tỉ đồng, bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội để tiếp tục cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, cho học sinh, sinh viên vay tới 38.400 tỉ đồng. Quan trọng là Chính phủ có giải pháp để cân đối các nguồn thu, vay vốn rẻ để phát triển bền vững nhất” - Bộ trưởng Phớc cho hay.

Về vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng việc cải cách thể chế để phát triển kinh tế là quan trọng, trong đó cốt lõi là xây dựng luật. Tuy nhiên, việc này hiện nay chưa được đầu tư tương xứng.

Lấy dẫn chứng về việc giải phóng mặt bằng, ông Ba nói chủ yếu vướng về thủ tục. “Nếu nói về mặt kinh tế - kỹ thuật thì không vướng, mà chủ yếu vướng ở các quy định pháp luật. Ngay như Luật Đầu tư công quy định các dự án nhóm A có thể xem xét tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng nhưng lại thiếu quy định cụ thể. Rồi còn vướng cả Luật Đất đai” - ông Ba nói và bày tỏ “nuối tiếc” khi lần này không sửa một điều ở Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc.

Các gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn

Tại buổi thảo luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh gói hỗ trợ quy mô phải đủ lớn. Theo ông, quy mô gói này theo giá trị thực tế khoảng 4,28% GDP nên không nhỏ, thời gian thực hiện trong hai năm cũng đủ dài. Quan trọng là đưa vốn vào đâu để giải ngân được ngay, tạo ra hiệu quả cho nền kinh tế.

Chủ tịch QH cũng đề cập đến việc đánh thuế theo tỉ lệ phần trăm trên giao dịch chứng khoán để hỗ trợ cho nền kinh tế. Bởi hiện nay chứng khoán tăng trưởng rất mạnh, rất lớn. “Đây cũng là điều tiết thị trường không để nóng quá” - ông nói và cho rằng nếu giao dịch chứng khoán thực sự tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì không sao nhưng nếu là đầu cơ thì lại không lành mạnh.

Nhắc tới vấn đề đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch QH nói đấu giá 1 m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỉ đồng thì “chưa bao giờ có chuyện này”. Vì vậy, QH, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

“Trước khi tung ra gói mới thì phải củng cố vĩ mô, những gì có dấu hiệu thiếu bền vững thì phải tính toán kỹ trước” - Chủ tịch QH lưu ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm