Gói hỗ trợ lớn: Không để giá hàng hóa leo thang

Xung quanh Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hai nội dung được các doanh nghiệp (DN), chuyên gia quan tâm nhiều nhất là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 và hỗ trợ lãi suất 2%/năm (40.000 tỉ đồng) cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Các chuyên gia nhận định và hiến kế để phát huy cao nhất gói tài chính này.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNHchuyên gia tài chính:

Giảm thuế VAT kích thích sản xuất

Đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỉ đồng và là gói bổ sung ngoài khuôn khổ tài chính tiền tệ đã được Quốc hội và Chính phủ đưa ra trong giai đoạn 2022-2025.

Lần đầu tiên Chính phủ chấp nhận bội chi lớn, chấp nhận rủi ro do tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên thu ngân sách nhà nước có thể lớn hơn 25%. Nó thể hiện một quyết tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế phát triển trong tương lai.

Kỳ vọng lớn nhất khi gói hỗ trợ này xuất hiện có thể giúp nền kinh tế sống chung với đại dịch COVID-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.

Việc giảm 2% thuế VAT là cần thiết vì thuế VAT đánh vào người tiêu dùng nhưng lại mang lại rất nhiều lợi ích cho DN, cho sản xuất trong nước. Khi bảo vệ sản xuất trong nước thì người lao động đảm bảo công ăn việc làm. Việc giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% sẽ giúp giá cả hàng hóa giảm xuống, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% cần phải có quy định cụ thể, hỗ trợ ai, ở lĩnh vực nào, hỗ trợ ra làm sao. Hỗ trợ đồng đều lãi suất 2% hết cho mọi DN đi vay hay phân loại DN… phải có quy định chi tiết, rõ ràng.

Gói hỗ trợ cần nắm được nhu cầu của DN từng ngành nghề, từng địa phương đang cần hỗ trợ gì mới có hướng triển khai cụ thể, chi tiết để mang lại hiệu quả thực sự. Gói hỗ trợ phải thực sự giảm, hoãn thuế, miễn giảm các loại phí, lệ phí để làm sao chi phí sản xuất của DN giảm càng nhiều càng tốt.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂNchuyên gia kinh tế:

Cần xem xét kéo dài thời gian giảm thuế

Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% trong năm 2022 sẽ giúp kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, thu từ thuế VAT có tỉ trọng cao, khoảng 28% tổng thu ngân sách giai đoạn năm năm gần đây nên xác định mức giảm cụ thể còn phải cân đối khả năng ngân sách và cả tương quan với các hỗ trợ khác.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu xem xét lộ trình kéo dài thời gian giảm thuế.

Gói phục hồi kinh tế cũng như các gói hỗ trợ trước đây cần chọn lọc hơn, tập trung hơn, đặc biệt những DN đang “khỏe” để có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Tiếp sức cho DN khỏe thì mới giúp họ bật dậy tăng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP, ổn định cuộc sống người lao động.

Chính phủ và các bộ, ngành cần có sự hỗ trợ DN về đầu ra thị trường, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí logistics… và cần định hướng rõ về nguồn vốn, chính sách, nhu cầu thị trường cho DN có tầm nhìn xa 5-10 năm, để DN có thể lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế mới thực sự phát triển ổn định, bền vững.

Ông PHẠM HẢI LONGTổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon:

Cần kiểm soát giá hàng hóa

Điều quan trọng nhất đối với DN xuất nhập khẩu là vay ngoại tệ với lãi suất ổn định 2,5%. Nhà nước chỉ cần giữ ổn định chính sách thì đã giúp DN rất nhiều.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất của các DN là giá cả hàng hóa nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển đều tăng cao. Ví dụ như hiện nay giá nhiều loại nông sản đều tăng gấp đôi so với trước, giá cà chua trước 17.000-18.000 đồng/kg thì giờ 40.000-45.000 đồng/kg. Giá cước container xuất khẩu sang Trung Quốc trước đây chỉ 800- 900 USD/container thì nay lên đến 2.500 USD/container.

Khi vận hành gói phục hồi nền kinh tế cần đánh giá tác động có thể xảy ra như lạm phát, đẩy giá cả hàng hóa tăng cao… Giá xăng, điện, nước, hàng hóa đầu vào đều tăng… Dù hiện nay DN rất nhiều đơn hàng nhưng với chi phí đầu vào tăng gấp đôi, gấp ba thì không thể có lợi nhuận được.

Chính phủ, bộ, ngành cần xem xét sử dụng gói hỗ trợ này để giúp kiểm soát giá cả hàng hóa, nhất là giữ ổn định được mặt bằng giá những mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến nhiều loại hàng hóa khác.

QUANG HUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm