Gói 50.000 tỷ đồng: 'Đòn gió' hay 'chiêu PR'?

Ngân hàng lớn, nhỏ đều… hắt hủi?

Ngay khi vừa được công bố, gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng dưới hình thức liên kết 4 nhà do Ngân hàng Xây dựng (VNCB) khởi xướng đã vấp phải nhiều nghi ngờ về tính xác thực của nó.

Chưa hết nghi án về chuyện đưa ra sản phẩm này chỉ nhằm mục đích tiêu thụ hàng “ế” cho Tập đoàn Thiên Thanh, mà ngay cả những cái tên ngân hàng có tiếng nằm trong danh sách liên kết với VNCB cung ứng sản phẩm này cũng đặt nhiều nghi vấn.

Không chỉ một số NHTMCP được “điểm tên” trong danh sách “ngơ ngác” không hiểu sao mình bỗng dưng được liệt vào danh sách ngân hàng cấp vốn cho gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, mà ngay cả những “ông lớn” cũng gạt phăng khi được đề cập tới.

“Tôi không biết, không liên quan gì” – là câu trả lời của lãnh đạo cấp cao NHTMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) khi PV vừa đề cập tới gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và VNCB.

Nhiều ý kiến đánh giá gói 50.000 tỷ đồng của VNCB là sản phẩm chín...ép
Nhiều ý kiến đánh giá gói 50.000 tỷ đồng của VNCB là sản phẩm chín...ép

Ngay cả Phó tổng giám đốc một NHTM (xin giấu tên) được cho là nằm trong danh sách nhà băng liên kết với VNCB cũng cho hay, ngân hàng ông hoàn toàn không tham gia sản phẩm này và cũng không hiểu sao … bỗng dưng tên ngân hàng lại được nêu.

Trước đó, trả lời báo chí ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch OceanBank cũng phủ nhận chuyện tham gia chuỗi liên kết này, mà hiện OceanBank và VNCB mới đang trong quá trình thương lượng, cũng chưa ký kết hợp đồng hợp tác gì cùng VNCB.

Chưa ký hợp đồng với đối tác nhưng VNCB đã “nhanh nhảu” đưa tên các nhà băng vào danh sách đối tác liên kết với mình trong sản phẩm 4 nhà, điều này cho thấy sự chuẩn bị thiếu tính chuyên nghiệp trước khi cho ra đời một sản phẩm mới.

 “Có thể họ muốn đón trước thị trường khi bất động sản bắt đầu có dầu hiệu hồi sức trở lại, nhưng đáng tiếc là quá vội thành ra sản phẩm bị …chín ép” -  vị Phó tổng giám đốc trên bày tỏ.

Không chỉ giới tài chính trong nước tỏ ra không đồng thuận với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng của VNBC mà ngay cả các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng cho đây là một mục tiêu “tham vọng và đầy mạo hiểm”.

Có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu kinh tế Việt Nam, ông Dominic Miller – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, để giải ngân cao gói 50.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn là điều thách thức. Vì ngay cả gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhưng tới tháng 2/2014 tỷ lệ giải ngân mới là 4%.

“Vấn đề chính nằm ở phía cầu chứ không phải phần cung, vì ngân hàng khó xác định được những khoản vay tốt và quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế. Những điều này đã kìm giữ tăng trưởng tín dụng", chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh.

Bỏ ngỏ câu trả lời về sự tin tưởng mức độ thành công của gói tín dụng 50.000 tỷ này, vị Phó tổng giám đốc NHTMCP nói trên tỏ ra tiếc, vì theo ông nếu cách thức xây dựng sản phẩm làm bài bản hơn, thì với ý tưởng tốt mà VNCB đưa ra chắc chắn sẽ nhận được sự đón nhận thay vì đặt cho nó hàng loạt dấu hỏi như hiện tại.

Dấu hỏi lớn về năng lực tài chính

Chưa rõ gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân tốt hay là cuộc chơi đầy mạo hiểm của VNCB và các đối tác như lời nhận xét của chuyên gia kinh tế trưởng ADB, nhưng cũng là câu hỏi đáng được quan tâm, vì sao VNCB vội vàng tới vậy khi đưa ra một sản phẩm quy mô, chủ lực, hay đây chỉ là đòn gió và chiêu PR của nhà băng này?

Nghi ngờ này cũng dễ lý giải, vì từ khi tái cơ cấu lại và đổi tên từ Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank) giữa năm 2013 đến nay, VNCB gần như không có một hoạt động nổi trội nào.  

Còn nhớ đây không phải lần đầu tiên một NHTM đưa ra ý tưởng liên kết 4 nhà để cứu thị trường bất động sản. Cách đây 2 năm một nhà băng lớn nhất nhì trong khối NHTM Nhà nước là BIDV cũng đã đưa ra ý tưởng này, song vì nhiều vướng mắc nên không thành công. Giờ đến lượt VNCB công bố đưa ra sản phẩm liên kết 4 nhà với số vốn “khủng”, vì thế thông tin của VNCB đưa ra càng được chú ý, kỳ vọng.

Thế nhưng ngay một ngân hàng quy mô tầm cỡ như BIDV cũng đành dừng sản phẩm này, thì một nhà băng nhỏ tiềm lực tài chính yếu vừa đứng dậy sau quá trình tái cấu trúc như VNCB có là quá sức? Chưa kể, năng lực tài chính của VNCB đến nay vẫn là dấu hỏi lớn cho giới tài chính.

Nhìn về lịch sử phát triển của VNCB, tiền thân của nhà băng này là NHTMCP Đại Tín (Trustbank) và sau quá trình tái cấu trúc Trustbank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng. Chưa kể, tình hình tài chính của VNCB đến nay vẫn là dấu hỏi lớn với nhiều nhà đầu tư, công chúng. Trên website của nhà băng này, thông tin dành cho cổ đông rất sơ sài. Đến thời điểm này (1/4/2014) ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính, báo cáo thường niên năm 2012 theo thông lệ của một ngân hàng đại chúng, mà báo cáo thường niên mới nhất mới đến năm 2011.

Trên website của VNCB chỉ thông báo ngắn gọn, từ ngày 31/5/2013 VNCB gồm 551 cổ đông, trong đó cổ đông pháp nhân gồm 6 cổ đông. Trong đó: khối văn phòng Nhà nước là 3 cổ đông; tổ chức tín dụng Nhà nước có 1 cổ đông là NH Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam; 1 cổ đông doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Lương thực Long An và một cổ đông doanh nghiệp ngoài quốc doanh là Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. VNCB cũng có 545 cổ đông thể nhân.

Ngoài ra, VNCB đã thực hiện tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng vào tháng 12/2013, theo hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên. Đáng nói, trên website của VNCB chỉ có dòng thông báo ngân hàng đã tăng vốn, song lại không có bản cáo bạch hay bất kỳ thông tin thêm nào về đợt chào bán cổ phiếu được công bố.

Sự tròn vai hay không trong một dự án lớn phần nhiều đến từ năng lực tài chính của “chủ xị”. Dù là sản phẩm liên kết có sự bắt tay của các đối tác khác, nhưng với vai trò chủ trì một sản phẩm quy mô lớn tới 50.000 tỷ đồng mà tiềm lực tài chính quá nhiều ẩn số của VNCB thì mọi nghi ngại rằng đây chỉ là chiêu PR thương hiệu, là đòn gió không phải là không có cơ sở.

Theo Trường Giang (infonet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm