Gỡ vướng cho phế liệu nhập khẩu

Sáng 29-1, tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã kiểm tra tại cảng Hải Phòng, đồng thời đưa ra các giải pháp gỡ vướng cho tình trạng phế liệu nhập khẩu bị kẹt tại cảng kéo dài.

Phế liệu kẹt tại cảng, sản xuất đình trệ vì thủ tục

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mặc dù Bộ TN&MT đã ban hành các thông tư 08 và 09 về quy chuẩn môi trường phế liệu (có hiệu lực từ 29-10-2018) nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh về tình trạng chậm trễ trong việc thông quan các lô hàng phế liệu. Các container phế liệu nằm tại cảng, DN phải trả phí lưu kho bãi cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, các nhà máy không có nguyên liệu, công nhân nghỉ việc, sản xuất đình đốn.

Bộ trưởng cho hay ngày 15-1 vừa qua, ông đã chủ trì làm việc với Tổng cục Hải quan xem xét khiếu nại của một DN Hàn Quốc mở tờ khai từ tháng 6-2018 đến tháng 1-2019 chưa được thông quan làm họ thiệt hại 4,5 tỉ đồng, nhà máy không có nguyên liệu. Lý do Hải quan Hải Phòng đưa ra là phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. “Tổng cục Hải quan nói hàng đủ tiêu chuẩn, đến 17-1 lô hàng được thông quan. Vì sao? Hay vì chúng ta vô cảm” - Bộ trưởng nói. Theo ông, mặc dù Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu thực hiện thông quan với các lô hàng tương tự nhưng đến nay vẫn vướng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng hàng phế liệu nhập khẩu được cơ quan giám định độc lập giám định, xác định đủ quy chuẩn phải được thông quan. Tuy nhiên, hiện nay đã có giám định độc lập rồi thì Sở TN&MT nơi DN có trụ sở lại còn xuống tận cửa khẩu kiểm tra, dỡ hàng ra, xếp hàng vào rất mất thời gian và tốn kém, DN phải chịu hết. Có lô hàng do vướng việc kiểm tra của Sở TN&MT mà phải mất 29 ngày mới thông quan được. TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ vướng mắc chính nằm ở khâu cấp giấy chứng nhận của Sở TN&MT, dù thủ tục này không có ý nghĩa pháp lý. Ông Cung cho rằng việc chậm thông quan là do lỗi của cơ quan nhà nước nên cần phải bỏ phạt, không thể bắt DN phải chịu cái này. Cùng quan điểm này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng cần chia sẻ với DN về chế tài tiền phạt nếu DN không sai. Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy, cho biết trong sáu tháng cuối năm 2018, các DN thiệt hại không biết bao nhiêu tiền. Chỉ riêng các DN thuộc Hiệp hội Giấy đã thiệt hại tới 1.000 tỉ đồng.

Tổ trưởng tổ công tác kiểm tra việc kết nối một cửa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu khu vực 3 Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Bớt khâu xác nhận của Sở TN&MT để đỡ phiền DN

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết việc kiểm tra thêm của các sở TN&MT khiến thủ tục thông quan ít ra cũng phải kéo dài thêm 10 ngày nữa. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết việc Sở TN&MT nơi có nhà máy sản xuất liên quan đến phế liệu nhập khẩu giám sát lại là thực hiện theo Nghị định 74/2018. Tuy nhiên, ông Thức thừa nhận việc kiểm tra thêm lần nữa của sở này đã dẫn tới tình trạng các lô hàng phế liệu nhập khẩu chậm được thông quan. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng tình trạng phế liệu tồn đọng tại cảng là do hải quan, còn việc Sở TN&MT giám sát hàng hóa có được chở về nhà máy hay không là “một quy định mới gây lúng túng”.

Lắng nghe các ý kiến trình bày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tháo gỡ triệt để, cải cách triệt để, không vì lý do bảo đảm môi trường mà tạo ra các rào cản, thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho DN. Ông Dũng cho biết tổ công tác sẽ thống nhất với các cơ quan, báo cáo Thủ tướng xử lý, đảm bảo sau Tết các DN có đủ nguyên liệu để sản xuất. Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan làm thủ tục đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo hướng DN mở tờ khai ở thời điểm nào, áp dụng theo quy chuẩn của thời điểm đó. Các lô hàng về cảng bất kỳ thời điểm nào, kể cả trước khi các thông tư 08, 09 có hiệu lực, nếu đáp ứng quy chuẩn sẽ được thông quan. Theo Bộ trưởng, việc hải quan không cho áp dụng đối với các lô hàng nhập về trước đó là cách hiểu không đúng.

Bộ trưởng đánh giá giấy xác nhận của Sở TN&MT đối với phế liệu nhập khẩu là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém cho DN. Các lô hàng phế liệu chỉ cần được cơ quan giám định độc lập thực hiện giám định có sự phối hợp của hải quan. Sau khi có kết quả thì thực hiện cho thông quan, không cần xác nhận của Sở TN&MT vì không có giá trị pháp lý. Bộ trưởng cũng đề nghị hải quan làm việc với các DN kinh doanh cảng để tháo gỡ miễn cho DN phế liệu tiền lưu kho bãi. Tổ công tác cũng sẽ trao đổi với Bộ GTVT để bộ này làm việc với các hãng tàu đề nghị miễn tiền cho các DN nhập khẩu.

Chỉ riêng mặt hàng phế liệu giấy hiện nay tại các cảng trên cả nước còn tồn đọng tới hơn 10.000 container chưa được thông quan. Hàng ngàn container phế liệu sắt, thép cũng trong tình trạng tương tự. “Hàng nằm tại cảng, DN phải nộp phạt ai chịu, chỉ có DN chịu. Thậm chí bán cả lô hàng đi không đủ tiền nộp phạt” - Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm