Gỡ rối dịch vụ ăn uống

Ngày 18-2, Pháp Luật TP.HCM có bài “Dịch vụ ăn uống vướng luật” phản ánh thực trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, cơ sở nấu ăn sẵn… không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do vướng một số quy định liên quan đến Luật An toàn thực phẩm.

Được tiếp tục cấp từ ngày 24-4

Trước đó, Nghị định 38/2012  quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP (có hiệu lực từ ngày 11-6-2012) đã giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý về ATVSTP trong phạm vi địa phương. Tháng 10-2013, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế cho phép ban hành quy định cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho loại hình dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn nấu sẵn. 

Đến ngày 14-4, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 14/2014 có hiệu lực từ ngày 24-4  quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (kể cả cơ sở nấu ăn sẵn). Theo quyết định này, Chi cục ATVSTP TP.HCM cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống do trung ương hoặc thành phố cấp giấy đăng ký kinh doanh; do quận, huyện cấp giấy đăng ký kinh doanh nhưng có quy mô cung cấp mỗi ngày từ 300 suất ăn trở lên. Chi cục cũng cấp giấy chứng nhận cho cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn; dịch vụ ăn uống trong các bệnh viện, khu chế xuất và khu công nghiệp; bếp ăn tập thể, căn tin trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp.

Quyết định 14/2014 cũng phân công UBND quận, huyện hoặc cơ quan chức năng được ủy quyền sẽ cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống do quận, huyện cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc không có giấy đăng ký kinh doanh nhưng có quy mô cung cấp mỗi ngày từ 100 đến dưới 300 suất ăn; bếp ăn tập thể trong các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT; dịch vụ nấu thuê đám tiệc di động. Riêng UBND phường, xã, thị trấn cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống có hoặc không có giấy đăng ký kinh doanh có quy mô cung cấp mỗi ngày dưới 100 suất ăn.

Một cơ sở cung cấp suất ăn sẵn tại TP.HCM đang phân chia thức ăn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Vẫn còn nhiều thắc mắc

Công việc của bà Hương là nấu thuê cho các đám tiệc đã được hai năm. Mặc dù nhà ở quận 8 nhưng bà luôn nấu thuê đám cưới, đám giỗ… ở các quận, huyện lân cận. Thức ăn được bà sơ chế tại nhà, sau đó mang tới điểm đãi tiệc chế biến, nấu nướng. “Tôi không nấu nướng cố định một chỗ, vậy cơ quan chức năng thẩm định địa chỉ nào để cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho tôi?” - bà Hương thắc mắc.

Ông Minh (quận 10) là chủ bếp ăn từ thiện hơn một năm nay. Mỗi ngày ông cung cấp trên dưới 400 suất ăn cho bệnh nhân nghèo. Do là bếp ăn từ thiện, không phải đóng thuế nên ông không đăng ký kinh doanh. “quy mô bếp tôi mỗi ngày cung cấp trên 300 suất ăn nên theo Quyết định 14/2014 thẩm quyền cấp giấy chứng nhận là của Chi cục ATVSTP phải không?” - ông Minh đặt câu hỏi.

Trong khi đó, bà Lan, đại diện phòng y tế của một quận, thắc mắc: “Một cơ sở kinh doanh thức ăn khai mỗi ngày bán không tới 100 suất cơm nên thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ATVSTP là của UBND phường. Tuy nhiên, thực tế cơ sở này bán hơn 150 suất cơm mỗi ngày nên thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lại là UBND quận. Vậy cấp nào sẽ cấp giấy chứng nhận cho cơ sở nói trên?

Giải đáp thắc mắc của bà Hương, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho rằng theo Quyết định 14/2014 thì dịch vụ nấu thuê đám tiệc di động do UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận ATVSTP. “Bà Hương phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Đoàn công tác của quận sẽ thẩm định địa chỉ ghi trong giấy đăng ký kinh doanh. Đoàn cũng tập trung thẩm định khu vực chứa thực phẩm và sơ chế thức ăn để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận” - BS Mai hướng dẫn.

Đối với trường hợp của ông Minh, BS Mai giải thích: “Mặc dù quy mô bếp ăn từ thiện mỗi ngày cung cấp khoảng 400 suất ăn nhưng do không có giấy đăng ký kinh doanh nên thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ATVSTP thuộc UBND quận”.

Liên quan đến thắc mắc của bà Lan, BS Mai cho rằng nếu cơ sở khai mỗi ngày bán dưới 100 suất cơm thì UBND phường sẽ cấp giấy chứng nhận ATVSTP. “Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, nếu UBND phường ghi nhận cơ sở bán trên 150 suất cơm/ngày thì đề nghị cơ sở điều chỉnh lại số suất ăn. Đồng thời kiến nghị UBND quận xem xét, thẩm định và cấp lại giấy chứng nhận cho đúng thẩm quyền được phân công” - BS Mai nói.

TRẦN NGỌC

 

Trước đây Pháp Luật TP.HCM cũng từng phản ánh nhiều doanh nghiệp sản xuất rau câu, thạch dừa, bánh bao, sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, tổ yến… chưa được cấp giấy chứng nhận ATVSTP do còn lấn cấn giữa các ngành chuyên môn.

Ngày 9-4, ba bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch 13/2014 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 26-5). Thông tư nhấn mạnh: “Bảo đảm nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước”.

Theo đó, đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thuộc quyền quản lý của từ hai bộ trở lên, trong đó có sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm (kèm theo việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP - PV). Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thì Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý.

Như vậy, theo thông tư, sản phẩm rau câu, tổ yến do Bộ NN&PTNT; bánh bao, thạch dừa (thuộc nhóm bánh, mứt, kẹo) do Bộ Công Thương; sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Thông tư còn phân công Bộ Y tế quản lý các sản phẩm không được quy định trong danh mục của Bộ Công Thương hoặc Bộ NN&PTNT.

Căn cứ thông tư này, thực tế cho thấy tại TP.HCM đã có sự nhầm lẫn trong việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Do vậy, ba sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương TP.HCM sẽ ngồi lại để thống nhất cần cấp lại giấy chứng nhận cho đúng thẩm quyền hay cho phép doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận đã được cấp đến khi hết hiệu lực (kể cả giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP).

Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm