Gỡ nhiều thủ tục để giải ngân gói an sinh 26.000 tỉ​

Tại cuộc họp với Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) (gói an sinh 26.000 tỉ đồng) còn có quy định chưa phù hợp. Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi để thực thi.

Còn một số quy định gây khó

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan BHXH đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.200 đơn vị sử dụng lao động (với gần 11,33 triệu người) được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2022 với tổng số tiền khoảng 4.322 tỉ đồng để DN hỗ trợ NLĐ.

Ngành bảo hiểm cũng đã tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 NLĐ với tổng số tiền trên 293 tỉ đồng.

Người lao động nhận hỗ trợ từ tổ chức công đoàn. Ảnh: V.LONG

Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp NLĐ đến nay đã hỗ trợ khoảng 2,12 triệu người với số tiền gần 3.290 tỉ đồng. Trong đó, chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trên 174 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc trên 4,3 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1 gần 118 tỉ đồng; hỗ trợ gần 1,2 triệu NLĐ tự do với tổng kinh phí gần 2.180 tỉ đồng…

Gói này cũng đã hỗ trợ 1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật và 400 hướng dẫn viên du lịch, gần 26.800 hộ kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng thực hiện giải ngân hơn 185 tỉ đồng để trả lương cho 53.581 NLĐ.

“Tổng cộng đã hướng dẫn, hỗ trợ trên 13,5 triệu NLĐ… và trên 375.800 DN với số tiền hơn 8.000 tỉ đồng” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết qua theo dõi, đánh giá thì tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.

Nguyên nhân là 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam và một số địa phương giãn cách xã hội ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ.

NLĐ và người sử dụng lao động chưa hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, chưa linh hoạt xử lý, chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ chậm…

Một số quy định tại Nghị quyết 68 không phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội như điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo, DN không có nợ xấu, quyết toán thuế…

Giảm và bỏ bớt một số điều kiện gây khó

Để khắc phục hạn chế trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và NLĐ được hỗ trợ kịp thời.

Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ duy trì việc làm tới đây sẽ giảm điều kiện DN có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ từ 10% trở lên xuống 5%. Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; bổ sung đối tượng phải điều trị COVID-19 trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16…

“Đặc biệt, dự thảo lần này bỏ quy định không được vay vốn nếu còn nợ xấu tại các ngân hàng để tạo điều kiện cho DN vay tiền trả lương cho NLĐ và phục hồi sản xuất…” - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.

Tại cuộc họp với Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận: Trong tình hình giãn cách xã hội, NLĐ không thể làm hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy tới đây sẽ có hướng dẫn các địa phương linh hoạt với các trường hợp này, theo hướng chỉ cần người sử dụng lao động có quyết định nghỉ việc và công đoàn ký vào là cơ quan chức năng có thể xét duyệt, tiến hành chi trả hỗ trợ.

Nhiều tỉnh chậm giải ngân gói 26.000 tỉ đồng

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có hai tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ NLĐ tự do là Bến Tre và Vĩnh Long.

Chín tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.

Năm tỉnh, thành chưa chi hỗ trợ NLĐ phải ngừng việc gồm Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên và ba tỉnh, thành chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ. 

Đa dạng các phương thức đi chợ giúp dân
Đa dạng các phương thức đi chợ giúp dân
(PLO)- Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, một số phường ở quận 5, TP.HCM đã thực hiện mô hình đi chợ giúp dân bằng nhiều cách khác nhau với mục tiêu không để người dân đói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm