'Giáo dục Việt Nam phát triển ấn tượng'

Sáng nay (8-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế.

Đáng chú ý, thu cân đối ngân sách vượt dự toán 8%, chi ngân sách được đảm bảo, xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh. Bội chi, nợ công được kiểm soát. Cạnh đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực. 

Ông Dũng cũng cho hay năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải cách tư pháp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục, dù dính bê bối gian lận, tiêu cực thi cử nhưng kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận hoạt động giáo dục và đào tạo đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên ông cũng nêu những tồn tại chưa được giải quyết triệt để như chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp, cơ cấu nhân lực chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Đặc biệt, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

“Hiện nay, kết quả điều tra cho thấy 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng và đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý.

Cho rằng trong giáo dục còn rất nhiều vấn đề mà người dân hết sức quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc này đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng một bộ phận nhà giáo còn thấp, một số ít nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình hình bạo lực học đường...

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019 tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.

“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội” –Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm