Giao đất giao rừng: “Có dự án hỗ trợ mới thực hiện tốt”

Hai thông tư trên hướng dẫn về trình tự thủ tục giao đất cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân.

Được biết từ tháng 8 đến tháng 11-2013, với sự tài trợ của Oxfam, trung tâm này cùng Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển thuộc liên minh đất rừng thực hiện một nghiên cứu khảo sát đánh giá về thực tế triển khai hai văn bản pháp luật trên tại bốn tỉnh khu vực miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. “Thông tư 38 và TT 07 chưa quy định rõ ràng về sự tham gia của người dân trong tiến trình giao đất giao rừng. Ngoài ra do thiếu kinh phí nên tiến trình này cũng không được thực hiện theo hướng dẫn” - ông Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc điều phối tổ chức liên minh đất rừng, cho hay.

Về quyền tham gia của người dân, các thông tư này mới chỉ yêu cầu phải tổ chức họp thôn để thông qua phương án giao rừng cấp xã. Còn lại các hoạt động khác trong tiến trình giao đất giao rừng, người dân tham gia vào lúc nào, làm gì, được quyết định vấn đề nào… đều chưa được đề cập đến. Do ngân sách hạn hẹp, một số công đoạn còn bị cắt bỏ như không tổ chức bàn giao thực địa, không cắm mốc địa chính theo như thiết kế.

Cũng theo báo cáo của CRD, Thông tư 38 chưa hướng dẫn cụ thể về giao đất gắn liền với giao rừng. Đến Thông tư 07 thì vấn đề này được khắc phục tuy nhiên hai việc “giao đất” và “giao rừng” vẫn chưa hoàn toàn gắn liền nhau về mặt tổ chức thực hiện. Hai ngành NN&PTNT và ngành TN&MT vẫn chưa thống nhất quan điểm: Giao đất đi kèm giao rừng hay ngược lại, giao rừng gắn với giao đất. Chẳng hạn tại tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT ban hành đề án giao rừng gắn với giao đất. Bên cạnh, Sở TN&MT tỉnh này cũng ban hành đề án giao đất gắn với giao rừng. Hai đề án theo chuyên môn khác nhau nên đưa ra những quy định khác nhau.

Ông Hoàng Mạnh Quân nhận xét giao đất giao rừng là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, “Các thông tư cần quy định cụ thể hơn về cơ chế tham gia trong giao đất giao rừng, đặc biệt là sự tham gia của người dân vì họ là người biết rất rõ đặc điểm khu rừng, vị trí và ranh giới và cũng chính họ là người hưởng lợi từ quá trình này”.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm