Giành nuôi con sau bảy năm bỏ mặc

Chị Ch. ở huyện Cần Giuộc (Long An) viết trong đơn khởi kiện nộp tại TAND huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) rằng chị và anh C. ở huyện Mỏ Cày Nam cưới nhau vào năm 2001. Đến năm 2010, hai người không còn hợp nhau nên ra tòa thuận tình ly hôn. Lúc đó, một mặt do điều kiện kinh tế của chị còn khó khăn, một mặt do cha chồng đang bệnh nặng, muốn sống với cháu nên chị đã để hai đứa con gái cho nhà chồng nuôi.

Bảy năm để con cho nhà chồng nuôi

Theo chị Ch., giờ thì cha chồng cũ của chị đã mất. Anh C. bị bệnh nên không có khả năng nuôi con mà giao cho mẹ và cô em gái nuôi. Nay mẹ chồng cũ của chị đã già yếu, em chồng cũ cũng không có nghề nghiệp gì để đảm bảo cho sức khỏe, việc học hành cho hai con chị. Cụ thể, mới vừa rồi một trong hai con chị bị tai nạn xe nên ba ngày liền không đến trường được.

Về phần chị, dù đã có chồng con mới nhưng chị có việc làm, có thu nhập ổn định nên hoàn toàn có khả năng nuôi hai con mà không cần anh C. cấp dưỡng. Nếu được nuôi con, chị đảm bảo sẽ chăm sóc các con tốt hơn rất nhiều và việc học của chúng không hề bị gián đoạn. Trước mắt, chị đã xin chuyển trường cho hai con về quê chị và đã được sự đồng ý của trường chuyển đến.

Tại tòa, em gái anh C. (đại diện theo ủy quyền) trình bày rằng vào năm 2007, chị Ch. đã không nói không rằng mà bỏ anh của chị và hai con đi, đến năm 2010 mới quay về đòi ly hôn. Anh của chị buồn tủi và sinh bệnh từ đó. Lúc ly hôn, chị Ch. cũng không chịu nuôi hai đứa nhỏ mà bỏ mặc cho nhà chồng nuôi, sau đó cũng không cấp dưỡng gì cả.

Hoàn cảnh gia đình anh C. lúc đó hết sức khó khăn, cha mẹ và anh C. đều bị bệnh nhưng vẫn gồng gánh nuôi hai cháu được. Giờ sức khỏe anh C. đã dần hồi phục, tỉnh táo cũng nhờ có sự gần gũi của hai con. Kinh tế gia đình giờ cũng đã ổn định, có thu nhập từ nghề làm vườn và chăn nuôi nên hoàn toàn có khả năng nuôi hai cháu phát triển tốt. Hiện hai cháu đang sống và học hành rất ổn định.

Em gái anh C. khẳng định không đồng ý để hai cháu về sống với chị Ch. bởi việc thay đổi môi trường sinh sống sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt học hành, làm xáo trộn cuộc sống, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các cháu về sau.

Tòa bác yêu cầu

Mới đây, TAND huyện Mỏ Cày Nam đã xử sơ thẩm, nhận định từ năm 2007, chị Ch. bỏ nhà ra đi thì hai cháu vẫn sống với anh C. cùng gia đình bên nội. Đến năm 2010, chị Ch. quay về yêu cầu ly hôn nhưng cũng không muốn nuôi con mà giao cho nhà nội của các cháu nuôi. Từ đó cho đến nay hai cháu vẫn sống tốt với anh C. và gia đình bên nội. Các sinh hoạt học tập của các cháu đã đi vào nề nếp ổn định. Tại tòa, các cháu cũng đều mong muốn được tiếp tục sống chung với cha, với bên nội vì thương cha, thương nội nên nguyện vọng này cần được tôn trọng.

Tại phiên xử, chị Ch. đưa ra các chứng cứ như có việc làm và có thu nhập ổn định. Nhưng chị cũng thừa nhận rằng chị đã có chồng khác, giữa chị và chồng mới cũng đã có con riêng. Như vậy nếu chấp nhận yêu cầu của chị thì sẽ làm xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt bình thường của các cháu.

Ngoài ra, chị Ch. còn đưa ra lý do là một trong hai cháu bị tai nạn giao thông làm gián đoạn việc học mất mấy ngày, tòa nhận xét đó chỉ là một trong những chuyện rủi ro mà không ai muốn gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Mặt khác, tai nạn này cũng không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu bé nên tòa không xét. Từ những căn cứ trên, tòa kết luận không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu nuôi con của chị Ch.

Quy định liên quan

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

(Theo Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm