Gian lận thi cử: Phải có người ở Bộ chịu trách nhiệm

Sáng 30-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. 

ĐB Nguyễn Lân Hiếu: Cần có người chịu trách nhiệm trong gian lận thi cử.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) rất vui mừng tại kỳ họp Quốc hội trước đây Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đến trực tiếp để tìm hiểu các ý kiến về xây dựng tuyến đường tránh Long Xuyên (An Giang).

“Tưởng như việc đã vào guồng, nhưng theo tôi được biết 6 tháng vừa qua dự án tiến triển rất chậm. Một việc tưởng như được khẳng định qua hai nhiệm kỳ Thủ tướng, đạt hiệu quả nhãn tiền cho phát triển một tỉnh nghèo; một việc nếu được triển khai sớm thì không có chuyện cách đây vài ngày, tài xế kéo đến trạm T2 phản đối. Hậu quả, cây cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu), ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa khánh thành mất đi ý nghĩa nhân văn chỉ những sai lầm, tắc trách của một số bộ phận….”, vị ĐB nhấn mạnh

Theo vị ĐB, việc khởi công tuyến đường tránh Long Xuyên và tháo gỡ vướng mắc cho người dân khi đi qua trạm thu phí T2 (Cần Thơ) là mong mỏi lớn nhất của cử tri. Vì vậy, ĐB rất mong Chính phủ rà soát giao thông An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung để phát huy hết tiềm năng của vùng.

Về giá điện, Bộ Công thương đã đưa ra những con số khẳng định việc điều chỉnh giá là đúng. Tuy nhiên, theo ĐB An Giang khi người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công thương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức giám sát, điều hành giá của mình, đặc biệt là xem nguồn gốc sâu xa phải chăng là do sự độc quyền không được cạnh tranh trong việc mua bán và truyền tải điện.

“Như tôi là bác sĩ, khi đưa ra phác đồ điều trị, nhưng bệnh nhân không tốt thì phải xem xét việc triển khai có đúng không, sai khâu nào. Vì vậy, Bộ Công thương không nên duy ý chí, bảo thủ, che giấu sai lầm…”, ĐB nhấn mạnh.

Với gian lận thi cử vừa qua, ĐB Nguyễn Lân Hiếu khẳng định cử tri mong muốn Bộ GD&ĐT phải xử lý nghiêm tình trạng này. Đặc biệt, cần chỉ ra những thiếu sót trong công tác thi cử vừa qua và phải có người chịu trách nhiệm chứ không nói chung chung là do địa phương.

“Vì chúng ta thấy, việc gian lận không chỉ diễn ra tại một địa phương, như vậy, là có hệ thống...”, vị ĐB nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng phải xử nghiêm gian lận thi cử.

Theo quan sát của ĐB, Bộ GD&ĐT chưa có chỉ đạo cấp tỉnh xử lý những khe hở trong thi cử, Bộ không đánh giá kết quả thi của các thành phố để có sự so sánh tỉ lệ điểm. Vì nếu phân tích, không thể không đặt dấu hỏi tại sao các tỉnh miền núi có điểm thi cao hơn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Nếu Bộ GD&ĐT tiến hành phúc tra bài thi trên cả nước tôi tin rằng sẽ phát hiện ra nhiều địa phương vi phạm trong kỳ thi vừa qua…. Và có như vậy trong tương lai các thử nghiệm của Bộ GD&ĐT về quy trình thi cử nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung mới đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả…”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh. 

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), cho rằng vừa qua Bộ GD&ĐT cải tiến nối tiếp cải tiến, nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng, trong khi đó tiêu cực diễn ra. Cử tri rất phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích và những tiêu cực điều này cho thấy người dân không yên tâm vào giáo dục

Quay lại 2018, vị ĐB khẳng định Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại của sự gian lận trong thi cử vừa qua. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm