Giảm tải, giảm bệnh nhi mắc sởi

Sáng 28-4, sau khi tìm hiểu thực tế tình hình điều trị trẻ mắc sởi tại hai bệnh viện ở TP.HCM là Nhi đồng 1 và Bình Tân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM.

Đa số trẻ nhập viện chỉ mắc sởi thông thường

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết số ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM trong năm 2014 tăng dần từ tháng 1 tới tháng 3. Những tuần đầu của tháng 4 chựng lại nhưng tuần cuối của tháng này lại có chiều hướng nhích chậm.

Đa số trẻ nhập viện chỉ mắc sởi thông thường. Tuy nhiên, do cha mẹ muốn trẻ được nhập viện để điều trị tốt hơn nên gây quá tải bệnh viện và dễ bị nhiễm bệnh chéo.

Liên quan đến hoạt động tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ chín tháng tới ba tuổi, sau hai tháng TP.HCM đã tiêm vét cho hơn 95.760 trẻ, đạt gần 96%. “Trong tháng 5 mở rộng tiêm vét cho trẻ trên ba tuổi đến sáu tuổi (miễn phí). Mới đây, Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine sởi miễn phí cho trẻ tới 10 tuổi. Vì vậy việc tiêm vét vaccine sởi cho trẻ tới 10 tuổi sẽ thực hiện từ ngày 5-5 sắp tới” - BS Dũng nói.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang trao đổi phân tuyến trẻ mắc sởi với lãnh đạo BV quận Bình Tân. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phân đúng tuyến sẽ giảm tải

Tại BV Nhi đồng 1, đoàn giám sát của Bộ Y tế ghi nhận trẻ mắc sởi điều trị nội trú quá đông, có giường phải nằm hai trẻ. Trong khi trẻ mắc sởi điều trị tại BV quận Bình Tân đếm trên đầu ngón tay.

BS Nguyễn Văn Mười, Giám Đốc BV quận Bình Tân, cho biết trong bốn tháng qua, BV chỉ điều trị 74 trẻ mắc sởi và hầu hết đều khỏi bệnh. Duy nhất một trường hợp do biến chứng nên phải chuyển viện. “BV quận Bình Tân đủ chuyên môn điều trị trẻ mắc sởi thông thường.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đề nghị các bệnh viện tuyến trên sàng lọc bệnh nhi ngay tại phòng khám và mạnh dạn không cho nhập viện nếu trẻ chỉ mắc sởi thông thường, sau đó chuyển xuống bệnh viện quận/huyện điều trị. Bởi theo ông, “bệnh viện càng quá tải, càng tăng mật độ virus sởi thì nguy cơ lây nhiễm sởi càng lan rộng. Giảm tải (bằng cách phân đúng tuyến) sẽ giảm tỉ lệ mắc sởi, giảm tử vong”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Tại hai BV Nhi đồng 1 và Bình Tân, khi tôi hỏi thì phụ huynh cho biết trẻ mắc sởi do không tiêm vaccine sởi. Họ giải thích đến ngày trạm y tế phường tổ chức tiêm vaccine sởi là con bị nóng, sốt, ho… nên không dám tiêm. Khi con hết nóng, sốt thì trạm y tế phường lại không tổ chức tiêm vaccine sởi. Do vậy, tôi đề nghị trạm y tế phường, xã nên duy trì việc tiêm vaccine sởi trong thời điểm này thường xuyên hơn”.

TRẦN NGỌC

Cứu sống bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển do sởi

Ngày 28-4, BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa cứu thành công bệnh nhi Bùi Mạnh H. (hai tuổi ở TP Hà Nội) bị sởi biến chứng nặng.

Bệnh nhân được chuyển từ BV Xanh Pôn (Hà Nội) sang trong tình trạng suy hô hấp nặng, đã được đặt ống nội khí quản.

Tại BV Nhi Trung ương, trẻ được sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy. Trẻ được chẩn đoán xác định suy hô hấp tiến triển, nhiễm trùng huyết do mắc sởi. Sau hai tháng điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, hết sốt, tự thở, không phải hỗ trợ ôxy. Theo các bác sĩ, bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch, do đó trẻ em mắc bệnh sởi rất dễ bị biến chứng do đồng mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Trước đó, bệnh viện này cũng cấp cứu thành công một bệnh nhi bị suy hô hấp tiến triển trên nền bệnh sau mắc sởi bằng phương pháp ôxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO).

HUY HÀ

 

Sởi đang là vấn đề nóng nên TP.HCM cần tập trung giải quyết để ngăn chặn, tránh lây lan, hạn chế thấp nhất mối lo âu từ phía cha mẹ có con nhỏ. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng quan tâm hoạt động phòng, chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, thủy đậu…

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm