Giám sát tối cao nạn xâm hại tình dục trẻ em

Sáng nay (3-6), với 79,13% số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, QH đã thống nhất thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vào năm sau. Bên cạnh đó, nhiều ĐB đề nghị đưa vấn đề môi trường vào chương trình giám sát vào năm 2020…

Thảo luận tại hội trường, đa phần các ĐB đề nghị QH lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nói: “Gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có cơ chế bảo vệ, hình thành lá chắn vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em”.

Theo ĐB Phương, dù đã có nhiều quy định bảo vệ trẻ em và các giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em, tuy nhiên việc xâm hại tình dục, vấn đề bạo lực học đường… vẫn đang diễn ra ngày càng nhiều, nhiều vụ việc gây rúng động dư luận khiến xã hội bức xúc.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn): “Cần có cơ chế bảo vệ, hình thành lá chắn vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em”. Ảnh: QH

“Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh; xâm hại tình dục trẻ em mang tính loạn luân như cha đẻ xâm hại tình dục con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ trong một thời gian dài gây bức xúc trong dư luận” - ĐB này nhấn mạnh và đề nghị cần giám sát nội dung này để hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em.

Trước đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn số liệu khảo sát (do Thư viện QH cung cấp) cho thấy có khoảng 68,4% trẻ em từ độ tuổi 1-14 đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà, có khoảng 20% trẻ em tám tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường học. Trẻ em không chỉ bị bạo lực mà còn bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, từ năm 2011 đến 2015 có 5.300 vụ xâm hại tình dục được phát hiện và xử lý, năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý... “Từ những vấn đề trên, việc lựa chọn giám sát theo chuyên đề xâm hại trẻ em là cần thiết’ - ĐB Tám đề nghị.

Đề nghị giám sát vấn đề môi trường

Bên cạnh vấn đề xâm hại trẻ em, nhiều ĐBQH đề nghị QH thực hiện giám sát tối cao về vấn đề môi trường.

ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho hay đây là vấn đề đạt cả ba tiêu chí để QH giám sát tối cao như là vấn đề dư luận bức xúc, được nhiều đoàn ĐBQH đề xuất và chưa được thực hiện giám sát tối cao những năm gần đây.

“Qua thống kê trong phụ lục tờ trình dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2020 cho thấy có khoảng 20 đơn vị đề nghị thực hiện giám sát về lĩnh vực môi trường. Số lượng các đoàn ĐBQH đề nghị giám sát nội dung này còn nhiều hơn hai đề xuất trong tờ trình nêu ra” - ĐB Dũng nói.

Phát biểu trước đó, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng ô nhiễm môi trường ngoài tác động xấu đến kinh tế-xã hội còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Trong khi đó, pháp luật về bảo vệ môi trường mặc dù được sửa đổi thường xuyên nhưng “đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập” cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế tài xử phạt đủ mạnh để giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm