Giám sát quyền lực công để phòng, chống tham nhũng

Vụ thứ hai là Công ty Sing-Việt của Singapore “bôi trơn” quan chức 2,8 triệu USD để được cấp phép xây dựng khu đô thị. Trước thực trạng trên nhiều ý kiến cho rằng phải đặt ra cho được cơ chế giám sát quyền lực công.

Xưa nay quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Và ai cũng biết rằng khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại!

Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế-xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

Lý thuyết kinh tế đã nêu hai quan điểm cơ bản về tham nhũng. Quan điểm thứ nhất coi tham nhũng là yếu tố ngoại sinh, quan điểm thứ hai cho rằng tham nhũng là nhân tố nội sinh trong chính trị. Nếu áp dụng một trong hai quan điểm trên, chúng ta có thể chia tham nhũng thành ba loại cơ bản: tham nhũng để đẩy nhanh tiến độ, tham nhũng hành chính và “bẻ cong pháp luật”. Mặc dù trong hầu hết trường hợp, tham nhũng có thể là do tình trạng vơ vét bổng lộc gây ra, song những cá nhân ích kỷ tìm cách tối đa hóa lợi ích của riêng họ cũng như các bộ luật phức tạp, mập mờ và thiếu tính khả thi cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó.

Theo nghiên cứu tại 160 nước, ở những nước không đảm bảo tốt các quyền của công dân, mức độ tham nhũng cao. Còn ở Indonesia, nghiên cứu về 36 cơ quan công quyền cho thấy cơ quan nào tạo điều kiện cho người dân được lên tiếng nhiều hơn thì ít tham nhũng hơn. Ở Bolivia, điều tra về 46 cơ quan công quyền chứng minh rằng ở đâu người dân có tiếng nói hơn thì ở đó người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công nhiều hơn. Cơ chế tuyển dụng công khai, minh bạch, dựa trên tiêu chí năng lực, đạo đức cũng giúp giảm tham nhũng. Muốn kiểm soát tham nhũng tốt, không thể chỉ dựa trên các biện pháp kỹ thuật mà điều quan trọng hơn cần xây dựng một nền quản trị quốc gia lành mạnh. bao gồm: pháp quyền, nhất là sự độc lập của tòa án; cải cách bộ máy hành chính; tăng cường sự giám sát của nghị viện; giám sát của xã hội dân sự, nhất là báo chí; chính sách kinh tế dựa trên cạnh tranh, tư nhân hóa và bớt kiểm soát; hệ thống tài chính minh bạch, với chế độ mua sắm công công khai và cơ quan kiểm toán mạnh; cải cách các cơ quan hải quan, thuế vụ… Đặc biệt, cuộc chiến chống tham nhũng phải dựa trên liên minh rộng rãi bao gồm các tổ chức xã hội và báo chí: 48% người được hỏi đã cho rằng đây là điều kiện tiên quyết để chống tham nhũng thành công.

Trong cái cơn lốc mê hồn trận tham nhũng, đưa đến nguy cơ hình thành “văn hóa tham nhũng” trong đời sống cộng đồng. Lúc ấy chỉ có văn hóa đích thực mới đánh bại được thứ “văn hóa phản văn hóa”.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các giải pháp phải tạo dựng cho được văn hóa KHÔNG MUỐN - KHÔNG DÁM - KHÔNG THỂ.

- Không muốn, thuộc phạm trù đạo đức lối sống. Tuy nhiên, nó cũng cần được bổ trợ bởi môi trường sống dư luận xã hội và trên hết là một điều kiện vật chất khả dĩ để công chức có thể sống thanh cao.

- Không dám, cần phải viện đến một môi trường pháp luật nghiêm minh, pháp chế mạnh, xã hội thượng tôn pháp luật, không ai đứng trên pháp luật.

- Không thể, đòi hỏi phải tạo lập một nền hành chính “trong suốt” để mọi người có thể dễ dàng giám sát, tạo lập một “công nghệ hành chính” tiên tiến (thí dụ như tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000). Áp dụng nghiêm ngặt “công nghệ” đó, khi một khâu nào trong dây chuyền làm không đúng sẽ bị phát hiện và bị loại ra, đồng thời đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội phải minh bạch và có tính giải trình cao.

DIỆP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm