Giám sát chặt việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 12-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Giám sát chặt, chế tài mạnh để khỏi chi… nhầm

Đa số ý kiến các đại biểu (ĐB) đều bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết của ban hành chương trình. Một số ĐB khác có chung ý kiến, cần xây dựng lộ trình giai đoạn, xác định việc làm cụ thể, chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết, mang tính dẫn dắt để làm trước thay vì thực hiện cả 10 dự án của chương trình. Đồng thời, chương trình cần tạo cơ chế quan tâm hơn đến các dân tộc ít người, công tác giáo dục, y tế, bình đẳng giới, xây dựng giao thông nông thôn, bảo tồn nét văn hóa dân tộc…

Nhiều ĐB đề xuất một số giải pháp để chương trình sớm đi vào đời sống một cách có hiệu quả. Chẳng hạn như tăng cường công tác giám sát ngay từ đầu, tránh tiêu cực.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: Đối tượng được thụ hưởng của chương trình là đồng bào dân tộc ít người, hướng đến mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Mặt trận cần vào cuộc giám sát ngay từ lúc triển khai chính sách để việc hỗ trợ của chương trình cho đồng bào không “đi nhầm” sang các địa chỉ khác. Bởi nếu “đi nhầm” sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân.

ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhận định: Chính sách, chương trình thường đúng đắn, song nếu người thực hiện thiếu cái tâm trong sáng thì sẽ kém hiệu quả. Vì thế, Chính phủ phải có chế tài đủ mạnh xử lý hành vi sai phạm gian lận ngay từ đầu, tránh tình trạng “xe đi nhầm đường”, “bò vào lộn chuồng” như đã từng xảy ra.

Đồng bào dân tộc Ba Na giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ảnh: baotintuc.vn

Chú trọng các khu tái định cư và giao thông

ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) thì đề nghị bổ sung quy hoạch khu tái định cư, cũng như giao thông để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, vừa thúc đẩy thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thoát nghèo bền vững.

138.000 tỉ đồng là tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện chương trình ở giai đoạn 2021-2025, trong đó ngân sách chi từ trung ương gần 105.000 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030 dự kiến sẽ hơn 134.000 tỉ đồng. 

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) và một số ĐB cho rằng việc bố trí ngân sách trung ương cho chương trình đã khó thì việc bố trí ngân sách đối ứng để bảo đảm kinh phí thực hiện của địa phương lại càng khó hơn. Bởi đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách này đều là những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) đề nghị Chính phủ xem xét tăng vốn đầu tư phát triển cho chương trình để giảm khó khăn về nguồn vốn của các địa phương.

Một số ĐB khác đề nghị cần làm rõ mối tương quan của chương trình này với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang thực hiện. Bởi xem xét các chương trình thì thấy có nhiều dự án thành phần trùng lắp với nhau.

Thủ đô cần cơ chế đặc thù để giảm quá tải hạ tầng

Sáng 12-6, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng hiện Hà Nội đang đứng trước những thách thức về nhiều mặt như: Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học... “Trong khi quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò trách nhiệm nặng nề của thủ đô. Do đó, việc xem xét bổ sung cơ chế chính sách tài chính - ngân sách cho phép TP Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách, phù hợp với thực tế phát triển” - ĐB Cương nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) băn khoăn so với Nghị quyết 54 về TP.HCM thì TP Hà Nội xin cơ chế hẹp hơn. Cụ thể như TP.HCM còn có quyền chuyển đổi đất nông nghiệp từ 10 ha trở lên. “Điều này có lẽ cũng hiểu được vì TP Hà Nội có Luật Thủ đô, trong khi chưa có đánh giá, điều chỉnh luật này thì cần cơ chế cấp bách để sau này khi đánh giá, điều chỉnh sửa Luật Thủ đô thì bổ sung sẽ có cơ sở hơn” - ông Cường nói.

Trong khi đó ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) ví TP Hà Nội và TP.HCM là “nhà mặt tiền của quốc gia”, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Riêng TP Hà Nội hơn tất cả địa phương khác khi là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội, là trái tim cả nước. “Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng máu đỏ, máu nóng hay máu độc chảy về đây nên cần sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp của TP Hà Nội. Trái tim không khỏe thì cơ thể không thể khỏe” - ông Nhưỡng nói.

TRỌNG PHÚ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm