CÔNG BỐ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TP.HCM TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Giảm kẹt xe, ngập nước, hết phôtô giấy tờ…

Chiều 26-11, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, về đề án này.

Hiểu đúng về “đô thị thông minh”

. Phóng viên: Người dân vẫn còn mơ hồ về hai chữ “thông minh”. Ông có thể giải thích cho người dân hiểu xây dựng đô thị thông minh là như thế nào?

Ông Trần Vĩnh Tuyến

+ Ông Trần Vĩnh Tuyến: Thông minh là một khái niệm về mặt kỹ thuật, hướng đến cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng áp dụng Internet toàn phần. Tức là hiện nay công nghệ đã đi vào cuộc sống, giúp con người xử lý mọi vấn đề từ sinh hoạt đến hoạt động của DN, đến quản lý nhà nước bằng những công cụ phân tích, bằng kỹ thuật công nghệ số nên khả năng chính xác của nó rất cao.

Tất nhiên, trên hết vẫn là con người, bởi vì con người sử dụng những kỹ thuật thông minh thì tất nhiên con người vẫn phải là đối tượng thông minh nhất. Người ta vẫn nói “tôi nhìn xa hơn vì đứng trên vai người khổng lồ”, một con người bằng sức của mình không thể dự báo đánh giá được tất cả tình hình để tìm ra được phương án xử lý tốt nhất thì phải dùng qua kỹ thuật công nghệ số, giúp cho con người xử lý thông minh nhất.

“Đô thị thông minh” mà TP.HCM đang xây dựng là vấn đề chiến lược lâu dài. Chúng ta phải đầu tư hạ tầng, xây dựng trung tâm dữ liệu, trung tâm điều hành... Bởi vì công nghệ luôn luôn thay đổi, sẽ không có điểm dừng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sử dụng giải pháp công nghệ thông minh để xử lý những vấn đề bức xúc của TP hiện nay.

Ví dụ như chúng ta đang sử dụng máy bơm chống ngập thông minh, sử dụng những thiết bị cảm ứng để đánh giá tác động môi trường, cảnh báo về vấn đề ngập nước, chúng ta có thể biết nơi nào kẹt xe thông qua hệ thống camera thông minh... TP phải xây dựng vấn đề mang tính chiến lược chứ bằng những con số trên giấy, mình tính toán không ra nên những chỉ tiêu, nhiệm vụ hầu như bằng cảm tính. Thông minh nghĩa là phải mô phỏng được chiến lược, quản lý một cách thông minh.

Sẽ hết cảnh phôtô giấy tờ

. TP.HCM xây dựng đô thị thông minh, người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào?

+ TP xây dựng đề án với mong muốn hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động. Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách...

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh ATTP, từ đó đánh giá được các nguy cơ rủi ro về ATTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn.

Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy. Đồng thời thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho TP như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp.

Về lĩnh vực an ninh trật tự, người dân và doanh nghiệp (DN) được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải phôtô nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay khi đi làm thủ tục...

Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh sẽ góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe đang rất bức xúc. Trong ảnh: Ùn tắc giao thông trên đường Phạm Hùng, quận 8, TP.HCM. Ảnh: HTD

Người dân phải chủ động tương tác

. Như ông vừa nói thì thực hiện đề án này sẽ giúp TP giảm kẹt xe, ngập nước, hai vấn đề đang rất bức xúc. Cụ thể việc này sẽ được thực hiện thế nào?

+ Xây dựng một chiến lược lâu dài để có một nền tảng dữ liệu dùng chung thì chúng ta mới mổ xẻ, phân tích và giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước một cách căn cơ. Những năm tới chúng ta phải có những giải pháp công nghệ để giúp giải quyết những vấn đề giao thông và ngập nước đang tồn tại. Như trong giao thông, chúng ta đã làm rồi qua giải pháp cảnh báo giao thông. Không chỉ trông cậy vào mở đường, làm cầu, mà việc người dân tự điều tiết giao thông cũng là một cách xử lý. Anh biết khu vực đó kẹt xe thì anh tự điều tiết không đi vào con đường đó thì cũng là một cách xử lý giao thông.

Trong chống ngập, chúng ta đã có chương trình chống ngập, thông báo và cảnh báo những nơi nào ngập, nơi nào mưa lớn ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên điện thoại di động nên người dân có thể điều tiết không đi vào con đường đó.

Để làm được điều này thì người dân phải làm quen và tương tác với điện thoại di động thông minh hoặc những phương tiện điện tử khác. Chứ nếu chúng ta ngồi một chỗ, chờ kết quả thì không thể nào có một chính quyền thông minh được. Bởi vì để xây dựng đô thị thông minh thành công, chúng ta cần sự tương tác giữa chính quyền, người dân và DN. Người dân phải chủ động để cùng tương tác với chính quyền.

. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 54 trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù. Điều này sẽ tạo thuận lợi như thế nào trong việc xây dựng đô thị thông minh, thưa ông?

+ Trước hết, về cơ chế tài chính, TP.HCM sẽ đầu tư cho những ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng đề án này. Đồng thời đề án này cũng là một thị trường rất lớn để các DN đầu tư và phát triển. Mặt khác, các DN công nghệ thông tin sẽ có môi trường để trải nghiệm những sáng tạo, sáng chế về công nghệ. Nếu thành công ở TP sẽ thành công ở các tỉnh, thành khác bởi vì mô hình này đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai thí điểm.

Chúng tôi nghĩ rằng nghị quyết của Quốc hội cho TP.HCM cơ chế đặc thù sẽ giúp TP có nhiều cơ hội chủ động hơn để đầu tư tài chính cũng như trong việc mời gọi các DN tham gia vào thị trường này.

. Xin cám ơn ông.

4 mục tiêu, 4 chủ thể, 4 nhiệm vụ trọng tâm

Chiều 26-11, tại buổi công bố đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh từ khi thai nghén đã hơn một năm, đến nay chính thức thực hiện. Trước mắt sẽ thí điểm tại quận 1 và 12.

Đề án có bốn mục tiêu gồm: Bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Bốn mục tiêu phục vụ bốn chủ thể của đô thị là chính quyền - người dân - DN - các tổ chức xã hội.

Ông Tuyến cũng cho biết TP đã đề ra bốn nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện. Đó là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm