Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Nơi thực hiện phải có trách nhiệm với dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho hay hiện nay, tại TP.HCM đã có một số địa phương thực hiện chi hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi phấn đấu làm sao từ nay đến ngày 12-7 sẽ đạt 80% và đến ngày 20-7 là đạt 100% số người lao động (NLĐ) tự do được nhận hỗ trợ.

“Việc lập danh sách người được nhận hỗ trợ thì các địa phương phải có trách nhiệm làm sao không bỏ sót trường hợp nào. Khi phát hiện những người đủ điều kiện thì phải lập danh sách ngay” - ông Tấn nói.

Theo ông Tấn, đối với NLĐ tạm hoãn việc, nghỉ việc không lương thì trách nhiệm là của doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở công đoàn cũng phải có trách nhiệm thúc đẩy doanh nghiệp lập danh sách NLĐ đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

“Tôi đề nghị các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm với NLĐ của mình. Đây không chỉ là việc nhận hỗ trợ đơn thuần như tặng quà hay hỗ trợ tiền của các tổ chức cho NLĐ khó khăn mà là quyền lợi. Đã là quyền lợi của NLĐ thì phải được đảm bảo và thực hiện nghiêm túc” - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thông tin về gói hỗ trợ 886 tỉ đồng của TP tại buổi họp báo chiều tối 10-7. Ảnh: TTBC

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về việc triển khai hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Quyết định 2209 của UBND TP.HCM ngày 10-7, ông Lê Minh Tấn cho biết từ ngày 6 đến 10-7, TP đã chi hỗ trợ cho 40.000 NLĐ tự do với kinh phí 70 tỉ đồng.

Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 230.000 NLĐ tự do. Trong số NLĐ tự do được hỗ trợ đợt này, có khoảng 34.000 người chạy xe ôm, 20.300 người bán vé số dạo (có 8.000 người ở tỉnh khác tạm trú ở TP.HCM, có xác nhận tạm trú của công an), khoảng 1.000 người chạy xe xích lô, xe ba gác...

TP.HCM sẽ kết thúc chi trả hỗ trợ cho NLĐ tự do trước ngày 15-7. Theo ông Tấn, gói hỗ trợ hiện không có đối tượng xe công nghệ, vì đối tượng này có chủ doanh nghiệp, không giống xe ôm truyền thống là tự làm, không lệ thuộc vào ai.

Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan khác rà soát đối tượng NLĐ tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 để hỗ trợ và tiếp thu, kiến nghị xem xét đối với số NLĐ tự do chưa có đăng ký tạm trú ở TP.HCM.

Đồng thời Sở LĐ-TB&XH đang tập trung triển khai hỗ trợ cho 80.000 NLĐ ở các doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ việc; 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 9.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động.

Cùng với thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM, TP.HCM cũng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Nguyên tắc là người hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ hai chế độ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất và không được chi trùng người hỗ trợ.

Liên quan tình hình tiếp nhận, hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết đến nay MTTQ đã tiếp nhận số tiền ủng hộ hơn 912 tỉ đồng.

Trong đó, ủng hộ tiền mặt là hơn 765 tỉ đồng và hàng hóa, trang thiết bị trị giá hơn 147 tỉ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã phân phối tiền, hàng trị giá gần 793 tỉ đồng (gồm 645 tỉ đồng tiền mặt và toàn bộ gần 148 tỉ đồng hàng hóa, trang thiết bị).

Ngay trong ngày 10-7, Ban thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM - ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã chi số tiền 3,9 tỉ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, trị giá 300.000 đồng mỗi phần cho người gặp khó khăn trong giai đoạn áp dụng theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16.

Hệ thống MTTQ của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng công bố số điện thoại cho người dân liên hệ, cung cấp thông tin về các trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. “MTTQ sẽ ghi nhận, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không ai rơi vào hoàn cảnh khốn khó, đói kém do dịch COVID-19” - bà Hương khẳng định.

Người buôn bán nhỏ, giáo viên mong sớm nhận hỗ trợ 

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, tiểu thương chợ Tân Bình, cho biết khi chợ phải tạm dừng hoạt động đã làm ảnh hưởng lớn tới thu nhập của gia đình anh. Anh cũng nghe thông tin có chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thông báo gì để thực hiện. “Tôi chưa nghe thông báo nào từ chợ và cơ quan chức năng, phía tổ trưởng khu phố có nói làm đơn xin hỗ trợ lên phường cho bà con nhưng chưa thấy thông báo xuống. Tôi mong các chính sách hỗ trợ sớm đến được với người dân trong thời điểm này” - anh Hoàng chia sẻ.

Còn theo chị Hồ Thị Minh Thơm, Trưởng Ban quản lý chợ Tân Phú 1 (quận Tân Phú), hiện nay nhiều tiểu thương có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều người phải nghỉ bán từ rất lâu. “Chúng tôi đã lập và gửi danh sách những tiểu thương buôn bán trong lồng chợ, hiện đang bổ sung những tiểu thương buôn bán bên ngoài nhưng có địa điểm kinh doanh cố định để được nhận hỗ trợ từ TP” - chị Thơm nói.

Chị VTB, nhân viên kế toán của một công ty quảng cáo ở huyện Bình Chánh, cho biết do dịch COVID-19, chị và nhiều người trong công ty phải nghỉ việc đã hơn một tháng. Chị cũng biết về chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do dịch nhưng đang lúng túng trong khâu làm thủ tục để nhận. “Chúng tôi gọi điện thoại đến Liên đoàn Lao động thì được báo là phải có công văn phong tỏa ngay chỗ ở thì mới làm. Còn phía phường báo sẽ kiểm tra và xem xét lại. Không rõ người lao động như tôi nằm trong diện hỗ trợ nào và thủ tục ra sao” - chị B. chia sẻ.

Bà Nguyễn Hoàng Lan Viên, chủ Trường tư thục Mỹ Đức (quận 12), cho biết khi nhận được thông báo của Phòng GD&ĐT về gói
hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch COVID-19, trường đã lập danh sách và làm theo mẫu của phòng nhưng đến nay chưa
thấy thông tin hồi đáp.

“Do dịch bệnh nên trường phải đóng cửa, giáo viên không có khoản thu nhập nào nên tôi rất vui khi nhận được thông tin này. Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ liên quan cho Phòng GD&ĐT khi được yêu cầu. Bởi hiện nay trường cũng không còn đủ khả năng để chăm lo cho các cô” - bà Viên bày tỏ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Hà (TP Thủ Đức), cho hay trường đã ngưng nhận trẻ từ tháng 5. Sau đó, trường vẫn đóng BHXH cho các giáo viên nhưng tới tháng 7 này thì ngưng vì “đuối sức”. “Do vẫn được đóng BHXH đầy đủ nên các giáo viên của trường không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ từ TP trong đợt này. Bên BHXH trả lời là các cô sẽ đuợc giải quyết trong lần sau” - bà Quỳnh cho biết.

Còn theo bà Trần Thị Bích Liên, chủ một nhóm giữ trẻ ở quận Tân Bình, nhóm giữ trẻ có bảy cô giáo và bảo mẫu, được đóng BHXH đầy đủ. Tuy nhiên, đến tháng 5 phải nghỉ vì dịch nên bà đã báo giảm đóng BHXH. “Tôi đã nộp danh sách lên Phòng Giáo dục quận và được báo là đến ngày 16-7 sẽ trả lời kết quả. Năm ngoái, các cô giáo, bảo mẫu được hưởng hai đợt, mỗi đợt 1 triệu đồng. Hy vọng đợt hỗ trợ này, các cô cũng được xét duyệt để bớt phần nào khó khăn” - bà Liên chia sẻ. NGUYỄN CHÂU - NGUYỄN QUYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm