Giám định thiệt hại rừng ở huyện Hàm Thuận Nam

Theo đó, cơ quan chức năng đã đo đếm, xác định có 1.018 cây gỗ các loại bị triệt hạ trên diện tích 38 ha ở các khu rừng Nà Dệt, Đồi Vĩ Sắt, khu Giếng Cọp và khu Tà Nớ. Toàn bộ số gỗ trên đều bị triệt hạ bằng cưa máy và thời điểm triệt hạ từ cuối năm 2012 đến tháng 5-2014.

Toàn bộ bốn khu vực trên là rừng sản xuất tự nhiên, do chủ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận giao cho Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam trực tiếp quản lý. Qua rà soát hồ sơ pháp lý từ năm 2012 đến nay thì UBND tỉnh và Sở NN&PTNT không có chủ trương hoặc cấp giấy phép cho khai thác, cưa hạ rừng tự nhiên. Như vậy, toàn bộ số gốc cây bị cưa hạ không có số hiệu kiểm tra hoặc hồ sơ xử lý.

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, từ cuối năm 2012 đến tháng 5-2014 tại bốn khu vực nói trên, lâm tặc đã ngang nhiên đưa cưa máy vào triệt hạ và chở gỗ bằng xe ra khỏi rừng. Dù rừng bị triệt hạ một thời gian dài nhưng Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam không hề có báo cáo. Đáng nói, trong vụ hủy hoại rừng nghiêm trọng này đã xác định có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho lâm tặc của một phó giám đốc xí nghiệp và một cán bộ bảo vệ rừng. Hiện PC46 đã khởi tố vụ án và tiếp tục trưng cầu giám định thiệt hại để củng cố hồ sơ khởi tố những người có liên quan.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm